Đà Nẵng: Vừa gom vừa… run
Môi trường - Ngày đăng : 16:13, 22/02/2022
Cảnh giác với rác
Trung bình mỗi ngày, TP. Đà Nẵng ghi nhận gần 1.000 ca F0, trong đó phần lớn cách ly, điều trị tại nhà. Công tác thu gom rác thải tại các gia đình có người cách ly y tế được giao cho Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng đảm nhận. Theo đó, mỗi xí nghiệp sẽ có một tổ với khoảng 3 - 4 công nhân môi trường thu gom rác ở các gia đình F0.
Hằng ngày, anh Đặng Văn Tuyên, thuộc Xí nghiệp Môi trường mặc bộ đồ bảo hộ, mang khẩu trang 2 lớp kín mặt, kèm bình xịt khuẩn mỗi khi đi thu gom rác của các hộ F0. Một mình đảm trách thu gom rác thải của F0 ở 4 phường trên địa bàn quận Hải Châu với hơn 300 địa chỉ cần thu gom. Bắt đầu từ 7h sáng, với chiếc xe máy làm phương tiện di chuyển, anh Tuyên đi khắp các kiệt, hẻm, đợi chủ nhà mang rác ra để ở cổng, xịt khuẩn bịch rác rồi bỏ lên xe, mang đi. Khi rác đã đầy thùng, anh đưa về điểm tập kết rác nguy hại được Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà bố trí ở đầu tuyến đường Thăng Long, quận Hải Châu bỏ vào thùng container. Công việc cứ thế kéo dài đến 17h30 hoặc 18h.
Theo anh Tuyên, vì đây là rác có nguy cơ lây nhiễm nên anh em đều thống nhất thời gian thu gom rác với người dân để khi công nhân đến thì họ mới mang ra, tránh tình trạng người dân để cùng với rác thải thông thường. Điểm khó khăn là các hộ có F0 nằm rải rác ở các tuyến đường khác nhau. Nhiều nhà ở trong kiệt, hẻm, xe khó vào, chưa kể ngày nào cũng phải mang bộ đồ bảo hộ kín mít nên việc đi lại rất bất tiện. Ngoài ra, công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều.
“Thú thật từ khi dịch bùng phát có nhiều đêm mất ngủ vì lo. Càng lo, tôi càng dặn mình và đồng nghiệp phải luôn cẩn trọng, cảnh giác với… rác. Khi kết thúc công việc mới cởi bỏ trang phục để đi ăn cơm trưa. Tối về nhà, tôi đi thẳng vào phòng riêng, không tiếp xúc với người thân để tránh lây nhiễm. Kể từ ngày thực hiện nhiệm vụ thu gom rác tại nhà các F0, công việc thêm vất vả vì phải di chuyển nhiều”, anh Tuyên chia sẻ.
Giám sát, phân loại rác thải lây nhiễm là bắt buộc
Anh Nguyễn Văn Trung thuộc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu đảm nhận công việc thu gom rác thải sinh hoạt thông thường tại các tuyến đường ở phường Hòa Thuận Tây. Anh chia sẻ, hơn 16 năm làm nghề vệ sinh môi trường nhưng chưa bao giờ căng thẳng như khoảng thời gian này. Nhiều hộ F0 không khai báo vẫn bỏ lẫn rác y tế nguy hại vào với rác sinh hoạt thông thường. Bên cạnh đó, nhiều hộ chưa nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ khẩu trang, khăn lau mũi, miệng, dụng cụ test nhanh… nên chưa phân loại rác đúng quy định. Cũng lo nhỡ đâu trong một giây phút run rủi nào đó, con virus mang tên SARS-CoV-2 bám vào người.
“Thực sự không biết ở chung cư này có F0 nên tôi cũng thu gom bình thường. Nhiều đêm làm về mệt lăn ra ngủ thiếp đi. Sáng thức dậy thấy người nhức mỏi, đầu óc lâng lâng, tôi cũng lo lắng nhưng bây giờ công việc thì vẫn phải làm thôi” - anh Trung chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, rác thải của F0 điều trị tại nhà phải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” riêng biệt để nhân viên môi trường thu gom. Chất thải lây nhiễm phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác, thông thường sẽ được xử lý triệt để bằng phương pháp thiêu hủy. Vì vậy, việc giám sát, phân loại rác thải lây nhiễm là bắt buộc.