Khuổi Trang mây bay đỉnh gió

Xã hội - Ngày đăng : 16:02, 22/02/2022

(TN&MT) - Khuổi Trang - tên gọi của Suối Trăng. Theo truyền thuyết xưa của người Mông, khi trai gái yêu nhau mà cùng được uống nước suối trong bản Khuổi Trang thì họ sẽ bên nhau suốt đời, không thể rời nhau được. Truyền thuyết da diết ấy ở nơi hoang sơ, nguồn cội cứ hút người xa đến, lại khiến người đi xa nhớ mà biết quay về. Tôi là người phương xa tới đây, cũng thấy mình như đang đằm mình trong cội nguồn văn hóa huyền diệu ấy.

Một vùng núi mây hùng vĩ

Mây trắng bay là là. Mây sà xuống vai áo người qua. Mây trắng bồng bềnh hay tóc suối bồng bềnh? Bản làng Mông xinh xinh mang tên Khuổi Trang (thuộc Xuân Lập, Lâm Bình, Tuyên Quang) neo đậu vắt vẻo, cheo leo nơi sườn núi. Nhìn xa, những ngôi nhà của người Mông giống như những cánh hoa màu tro xám được đính trong biển mây lấp lánh. Con đường mòn, mảnh mai như sợi lanh của người đàn bà Mông đang cuốn xiết, vắt ngang trời. Con đường nhỏ quanh co ấy đã cuốn hút tâm trí và trái tim tôi. Đường mòn dẫn bước cho chúng tôi khi leo lên tít tận hiên của những ngôi nhà người Mông trên đỉnh non cao.

Thả tầm mắt ra xung quanh, bốn bề chỉ thấy núi chồng lên núi. Núi chen vai núi, núi vây quanh bản, núi đứng giăng thành lũy thép bảo vệ, làm “Phên dậu” che chắn cho bản làng. Nơi đây, vẫn trên con đường nhỏ như sợi lanh ấy, nhìn xuống phía thung sâu dưới kia, bỗng thấy mình như đang bay lên, nhẹ bỗng và chon von hơn. Núi giăng giăng ngay trước mặt. Núi sà xuống như muốn được chuyện trò.

272587748_3101935810066643_8661808751707559804_n.jpg

Mây trắng tràn xuống núi. Mây trùng trùng, từng lớp chồng lên nhau, bồng bềnh, trắng xóa, hư ảo. Loáng một cái, những dải mây trắng kia thoắt biến mất như có phép màu. Lừng lững một ngọn núi xanh thẫm chợt hiện ra. Không! Vẫn là ngọn núi ấy, chỉ là tảng mây vừa bị gió bóc đi. Mây trắng như núi, cũng thích trêu đùa.

Quả thực, chưa khi nào tôi được cảm nhận rõ ràng sự biến ảo kỳ thú của mây kia.

Nơi đây chắc chắn chưa hẳn là một địa danh nổi tiếng, bởi chưa nhiều người biết đến bản Mông ở Khuổi Trang. Nhưng mây vẫn ngày ngày bay trên đỉnh gió. Và núi vẫn chơi trò cút bắt với mây. Nhưng có một điều chắc chắn, đây là nơi tôi được thưởng ngoạn bằng chuyến đi dài ngày và săn cảnh đẹp Khuổi Trang như một phượt thủ thực thụ.

Tôi ngồi phía sau xe máy của một chàng trai huyện Lâm Bình. Xe máy len lỏi bò đi trên đoạn đường núi rừng khá quanh co, hiểm trở. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Cơn mưa xuân kéo dài suốt đêm qua vẫn còn đọng lại từng vũng nước khiến đường trơn trượt. Đoạn đường rừng khi đi lên với núi dài hơn mười cây số. Nhiều đoạn sợ đến thót tim.

Vẻ đẹp sương khói hư ảo cuốn hút tôi. Vẻ đẹp hùng vĩ và liêu trai của núi cao, mây trắng và cánh rừng thẳm nơi đây làm cho tâm hồn người ta bỗng muốn được bay lên cùng những đám mây kia, uốn lượn cùng dải khăn voan trắng mỏng tang, bồng bềnh trên vai núi, chợt ùn ùn theo nhau về thả ngang trời. Thoắt cái, lại rủ nhau trốn sạch sau lưng núi. Cuộc thiên di của mây đã có từ ngàn năm xưa. Đến tự bao giờ và cho đến bao giờ kết thúc cuộc rong chơi, chỉ có thiên nhiên mới trả lời được câu hỏi ấy. Cũng như vẻ đẹp của mây Khuổi Trang thì chỉ có núi và gió Khuổi Trang mới hiểu hết. Mây trắng sẽ được tự do bay lượn, sẽ lan tỏa trên đỉnh gió. Thăng hoa như những người nghệ sĩ. Xao xác về cuối trời. Rồi chạm là là mặt đất, làm mát rượi bờ vai thiếu nữ.

Có gì mà ai xa cũng nhớ

Theo bước chân của những chàng trai làm chủ “con ngựa thồ” của huyện Lâm Bình, đoàn chúng tôi sau khi thưởng ngoạn sẽ tập kết tại Nhà Văn hóa xã Xuân Lập rồi từng nhóm đi tiếp vào bản Khuổi Trang. Đoàn gồm ba mươi các họa sĩ, nhà thơ, gọi chung là nhóm văn nghệ sĩ từ Hà Nội lên đây đi thực tế để làm vốn sống tư liệu phục vụ cho sáng tác văn học nghệ thuật. Và thật hạnh phúc với tôi khi được trải nghiệm với bản làng Khuổi Trang của người Mông. Những ngôi nhà sàn chênh vênh nơi lưng núi đang đứng nép mình trên sườn núi. Nơi đây, bà con bản làng Mông đã chuẩn bị và chờ đợi cuộc giao lưu với đoàn chúng tôi từ nhiều tháng trước, nhưng do phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên chương trình đã tạm hoãn. Giờ thì nó đã lại kết nối lại và hân hoan đón chờ.

t13.jpg

Ôi Khuổi Trang! Nơi con đường mòn đi lên với bản, bàn chân tôi đã qua đi bao cánh rừng, bao ngọn núi. Tôi đã nghe tiếng suối chảy dưới chân, tiếng chim hót trên đầu. Xe máy của đồng chí cán bộ Phòng Bảo vệ của Ủy ban xã cứ như có chân bám vào đường, lại như có mắt tự tìm lối đi, khiến đôi tay “lái lụa” điều khiển mà như không điều khiển. Tinh vi, diệu nghệ. Cả khách cả chủ vui như chim sổ lồng, vui như người thân gặp lại nhau sau bao nhiêu xa cách. Phải chăng cái khoáng đạt của thiên nhiên nơi đây, của núi của mây của gió và bạt ngàn rừng đã nhào nặn thành khí chất con người của bản. Cái khí chất ấy lại lặn vào tiếng sáo Mông và những thanh âm của núi rừng khiến người ta nghe một lần rồi nhớ mãi.

Giờ thì tôi đang nhớ.

Nhớ những điệu khèn Mông vừa vút cao lên nơi đỉnh núi, lại trầm xuống dưới tận thung sâu. Tiếng khèn của những gã trai bản Mông ngân lên thay lời muốn nói. Tiếng khèn của những gã trai bản Mông bây giờ sẽ nói gì thay lời của dòng suối? Tiếng khèn Mông có nói gì hộ lòng thung sâu đêm nay?

Tôi lại nhớ những con đường như sợi lanh uốn lượn cong cong và mềm mại, mạnh mẽ và phóng khoáng như tâm hồn đàn ông Mông quyện với hơi thở mềm nhẹ của thiếu nữ Mông. Nó khiến tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ xưa của mình: “Con đường em/ Mỏng như sợi lanh mềm/ Trói lưng anh/ Triền núi”.

Giờ đây, những câu thơ ấy lại trở về ngân rung trong tôi như một nét phác thảo hoang sơ. Giờ đây những gương mặt thân yêu tôi đã từng gặp ở Khuổi Trang, tiếng khèn, đôi tay thêu váy áo, chảo mèn mén la đà khói, những ánh mắt đắm say trong lễ hội mùa xuân đang thổn thức trong tôi như xa đã rất lâu.

Vâng, trong tôi có một Khuổi Trang đang ngân rung. Điệu khèn ma mị vẫn còn giăng mắc giữa mây trời. Những thanh âm của núi rừng như thứ bùa mê ai vừa thả. Khuổi Trang, ai đến rồi cũng quên cả đường về thôi. Không nói lời thương mà sao thấy nhớ. Rượu men lá chưa kịp ngấm đã say.

Để trong tôi vẫn vẹn nguyên một Khuổi Trang lồng lộng mây bay đỉnh gió, mà gần như một vòng tay của người thương.

Phạm Thị Phương Thảo