UNEP đưa ra các giải pháp cho 3 cuộc khủng hoảng hành tinh

Thế giới - Ngày đăng : 15:57, 22/02/2022

(TN&MT) - Trong một báo cáo được công bố mới đây, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, cháy rừng gây chết người, ô nhiễm tiếng ồn và các mối đe dọa môi trường tiềm ẩn khác có thể gây ra thiệt hại sinh thái trên diện rộng và cần phải được giải quyết khẩn cấp.

Giám đốc Điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết, báo cáo xác định và đưa ra giải pháp cho 3 cuộc khủng hoảng về vấn đề môi trường đã được các Chính phủ và công chúng quan tâm và hành động. Báo cáo thu hút sự chú ý đến những lo ngại về môi trường với khả năng gây tàn phá khu vực hoặc toàn cầu nếu không được giải quyết sớm.

Phá vỡ chu kỳ sống tự nhiên

Báo cáo mới nhất được công bố vài ngày trước khi Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) hoạt động lại. Báo cáo nêu rõ các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ngày càng gia tăng đang phá vỡ chu kỳ sống tự nhiên và gây ra những hậu quả sinh thái nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Bà Andersen cho biết: “Ô nhiễm tiếng ồn đô thị, cháy rừng và thay đổi hình thái học - 3 chủ đề của báo cáo lần này - là những vấn đề nêu bật nhu cầu cấp thiết để giải quyết 3 cuộc khủng hoảng trên hành tinh về biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học”.

Ô nhiễm tiếng ồn - “kẻ giết người” thầm lặng

Theo báo cáo, những âm thanh không mong muốn, kéo dài và ở mức độ cao từ giao thông đường bộ, đường sắt hoặc các hoạt động giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của con người.

anh-1-chay-rung.jpg

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ thời tiết khô nóng có khả năng gây cháy rừng

Tình trạng khó chịu kéo dài và rối loạn giấc ngủ do tham gia giao thông có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng về tim và rối loạn chuyển hóa ở những người rất trẻ, ảnh hưởng đến người già và các cộng đồng gần những con đường đông đúc.

Ô nhiễm tiếng ồn cũng đe dọa động vật, làm thay đổi giao tiếp và hành vi của các loài khác nhau, bao gồm cả chim, côn trùng và động vật lưỡng cư.

Báo cáo khuyến khích các nhà quy hoạch đô thị ưu tiên giảm tiếng ồn bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị tạo ra cảnh quan tích cực như vành đai cây xanh, bức tường xanh và nhiều không gian xanh hơn trong thành phố, nhằm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Vùng phát thải cực thấp của London (Anh), làn đường dành cho xe đạp mới của Berlin (Đức) trên những con đường rộng và kế hoạch quốc gia chống tiếng ồn của Ai Cập là những giải pháp tích cực có thể nhân rộng khi thế giới vượt qua đại dịch Covid-19.

Biến đổi khí hậu làm gián đoạn “nhịp điệu tự nhiên” của động, thực vật

Thực vật và động vật trong các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước và dưới biển sử dụng nhiệt độ, độ dài ngày hoặc lượng mưa để ra dấu hiệu cho thời điểm kết trái, di cư hoặc biến đổi theo những cách khác. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn “nhịp điệu tự nhiên” này.

Trong khi đó, khí hậu địa phương báo hiệu sự di cư của các loài chim có thể không còn dự đoán chính xác điểm đến và địa điểm nghỉ ngơi của chúng dọc theo tuyến đường.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các mục tiêu bảo tồn, chẳng hạn như duy trì môi trường sống phù hợp và kết nối sinh thái, tăng cường tính toàn vẹn của đa dạng sinh học và tăng cường phối hợp các nỗ lực quốc tế dọc theo các tuyến đường di cư. Trên hết, báo cáo khẳng định vai trò quan trọng của việc giảm lượng khí thải CO2 để hạn chế tốc độ nóng lên.

Dập tắt cháy rừng

Báo cáo cũng chỉ rõ, từ năm 2002 đến năm 2016, trung bình 423 triệu ha bề mặt Trái đất - tương đương với diện tích của Liên minh Châu Âu - bị thiêu rụi. Báo cáo cũng đưa ra dự báo rằng các vụ cháy rừng nguy hiểm có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn, bao gồm cả những khu vực trước đây không bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

Biến đổi khí hậu có thể gây ra các vụ cháy rừng dữ dội, tạo ra tia sét có thể “nuốt chửng” các đám cháy khác, tạo ra “vòng lặp phản hồi nguy hiểm”.

Những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người còn nghiêm trọng hơn những cuộc chiến đấu với cháy rừng và làm trầm trọng thêm những tác động đối với những người có bệnh nền, phụ nữ, trẻ em, người già và người nghèo. Đồng thời, carbon đen và các chất ô nhiễm khác phát ra từ cháy rừng có thể làm ô nhiễm nguồn nước, làm tăng tốc độ tan chảy của sông băng, gây ra lở đất và biến rừng nhiệt đới thành bể chứa carbon.

Để giải quyết vấn đề này, báo cáo kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào việc giảm thiểu rủi ro cháy rừng; phát triển các phương pháp tiếp cận quản lý phòng ngừa và ứng phó; tái cấp vốn cho công nghệ viễn thám như vệ tinh và radar.

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News