Quản lý rác thải tại Thanh Hóa: Nghiêm ngặt trong thu gom, xử lý

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 09:59, 22/02/2022

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phát động trong toàn dân về phong trào “Chống rác thải nhựa”, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã siết chặt công tác quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Chú trọng trong quản lý

Thời gian qua, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được quan tâm triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 4/12/2018 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND, ngày 16/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, giảm thiểu sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng bình đựng nước kim loại, sứ thay thế các chai nhựa đựng nước một lần trong các cuộc họp, giảm thiểu sử dụng nước đóng chai nhựa, đồ dùng một lần từ nhựa.

anh-1-5-.jpg

Thu gom rác, làm sạch biển ở Thanh Hóa

Toàn tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình thu gom, phân loại, giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... Qua đó, nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa được nâng lên. Các xã ven biển đã tổ chức dọn vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải khu vực dọc bờ biển định kỳ hằng tháng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Một số huyện đã có những cách làm hay trong phong trào giảm rác thải nhựa như xây dựng và nhân rộng mô hình đi chợ cùng làn nhựa, hộp nhựa; một số chợ, khu thương mại, hộ kinh doanh đã sử dụng túi giấy, ống hút giấy thay cho túi nhựa, ống hút nhựa.

UBND TP. Thanh Hóa cũng đã có công văn yêu cầu Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Thanh Hóa, HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn chỉ đạo công nhân trong quá trình thu gom rác thải sinh hoạt tại các điểm cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, nếu phát hiện có tình trạng để lẫn rác thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 lẫn vào rác thải sinh hoạt thì từ chối thu gom và kịp thời báo cáo về UBND phường, xã. Toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong khu vực cách ly - chất thải phát sinh từ người cách ly phải được thu gom, quản lý và xử lý như đối với chất thải có nguy cơ chứa Covid-19.

Nghiêm ngặt trong thu gom, xử lý

Trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác, các công nhân Công ty Môi trường Thanh Hóa đều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như: khẩu trang y tế, găng tay, áo mưa dùng một lần... để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

anh-2-3-.jpg

Rác thải y tế được xử lý nghiêm ngặt

Toàn bộ rác sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về bãi rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn để xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Với khoảng 350 tấn rác được vận chuyển về hằng ngày, được bố trí nhân công, trang thiết bị đảm bảo việc xử lý theo đúng quy trình, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 190 - 200kg/ngày. Chất thải y tế nguy hại được phân loại ngay khi phát sinh theo đúng quy định của Bộ Y tế và được hộ lý thu gom, nhân viên chuyên trách quản lý. Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện, đảm bảo khoảng cách an toàn. Tại đây, các nhân viên chuyên trách xử lý rác bằng máy NEWSTER NW10 - Italy (hệ thống xử lý bằng tiệt khuẩn nhiệt ma sát) và máy STERILWAVE 440 - Betin (công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt) không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Đối với chất thải lỏng được thu gom vào hệ thống thu gom chung của bệnh viện, với trung bình 450m³/24h và xử lý tại trạm xử lý nước thải dạng hợp khối đúc sẵn công nghệ AAO tiên tiến của Kubota Nhật Bản, công suất 700m³/24h. Sau khi nước thải xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn sẽ được đấu chung vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức quán triệt việc thực hiện tốt quy chế quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại trong toàn Bệnh viện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về quản lý chất thải y tế và phòng chống rác thải nhựa cho cán bộ, viên chức và người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh lây lan dịch bệnh.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm 2 lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; khu bảo tồn biển Hòn Mê.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: Công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi nilon của người dân sang sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy và thân thiện với môi trường. Tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã phát động nhiều phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, môi trường biển và hải đảo; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động làm sạch các bờ, bãi biển quê hương, không xả rác đặc biệt là rác thải nhựa, túi nilon ra môi trường bừa bãi. Đồng thời, quy định nghiêm ngặt đối với việc thu gom, xử lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh và không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Thu Thủy