Hà Nam quản lý hoạt động khoáng sản đảm bảo yếu tố môi trường
Khoáng sản - Ngày đăng : 09:58, 22/02/2022
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam.
PV: Xin ông cho biết những đóng góp của hoạt động khoáng sản vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hà Nam?
Ông Hoàng Văn Long: Những năm qua, sản xuất VLXD là ngành kinh tế đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Giai đoạn 2017 - 2021, tổng các khoản thuế, phí từ hoạt động khai thác khoáng sản nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 4.500 tỷ đồng.
Trước năm 2007, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn mang tính chất tự phát, thủ công nhỏ lẻ; các điểm mỏ tập trung chủ yếu ở ven đường giao thông, ven sông; cấp phép khai thác chưa có quy hoạch, hạ tầng đã làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan môi trường. Trước thực trạng đó, từ năm 2007 - 2011, tỉnh đã thực hiện di dời các tổ chức hoạt động khoáng sản vào các khu vực khai thác phù hợp với quy hoạch để bảo vệ cảnh quan môi trường và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phục vụ phát triển KT-XH.
Cùng với đó, triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản từ năm 2010 tới nay đã bước đầu giải quyết được những tồn tại về cảnh quan môi trường, hạn chế khai thác thủ công, nhỏ lẻ. Đến hết năm 2021, Hà Nam đã giải quyết dứt điểm các mỏ khai thác nhỏ lẻ, ngắn hạn, không gia hạn Giấy phép khai thác và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.
Hiện toàn tỉnh có 90 tổ chức được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác với 92 mỏ; 10 tổ chức được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác với 13 điểm mỏ.
PV: Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đã được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Long: Thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT đã thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, 100% các mỏ đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các đơn vị trong năm 2021 là gần 21 tỷ đồng. Các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động như: Lắp đặt hệ thống phun nước giảm thiểu bụi tại các trạm nghiền sàng; trồng cây xanh trong khu vực nhà máy và đường vận chuyển; phối hợp với các đơn vị dịch vụ môi trường thu gom, quét dọn, phun nước giảm thiểu bụi trên các tuyến đường dùng chung…
PV: Ông đánh giá như thế nào về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động khoáng sản?
Ông Hoàng Văn Long: Các đơn vị khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản đã chủ động xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; thực hiện các thủ tục môi trường và được kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, trong đó có đơn vị đang dừng hoạt động, chuyển đổi loại hình sản xuất và đang trong quá trình xây dựng dự án. Vẫn còn tình trạng xe chở quá tải, không che phủ bạt tại khu vực đường nội mỏ, đường từ mỏ ra cảng, đường dùng chung làm rơi vãi vật liệu ra đường gây phát thải bụi. Một số cơ sở sử dụng vật liệu nổ không đúng liều lượng, không đúng thiết kế cơ sở được duyệt và còn khai thác ngoài mốc giới. Chưa vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ thống phun nước giảm thiểu bụi tại các trạm nghiền sàng.
PV: Năm 2022, Sở TN&MT đã đề ra những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường trong khai thác?
Ông Hoàng Văn Long: Định hướng từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo, Hà Nam không khuyến khích khai thác khoáng sản và chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm về môi trường, hài hòa các lợi ích thì mới thu hút đầu tư.
Năm 2022, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ. Khẩn trương triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ đường giao thông ĐT.494C, ĐT 495C trong khu vực Tây Đáy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm.
Đồng thời, thành lập tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong khu vực Tây Đáy. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy trên địa bàn huyện Kim Bảng, Thanh Liêm. Giao Sở Công Thương quản lý chặt chẽ vật liệu nổ công nghiệp, không cấp vật liệu nổ công nghiệp với các dự án khai thác khoáng sản chưa đủ hồ sơ theo quy định. Tạm dừng cấp vật liệu nổ với các doanh nghiệp không thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị, phần mềm tiếp nhận dữ liệu theo dõi, giám sát, cảnh báo ô nhiễm với hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải, nước thải trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!