Sớm ban hành Kế hoạch triển khai quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

Môi trường - Ngày đăng : 08:58, 22/02/2022

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp về Quyết định thành lập Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai quy định.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đã có những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR. Lúc này, mô hình EPR tự nguyện đã chuyển sang mô hình EPR bắt buộc với những quy định cụ thể về tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc đối từng sản phẩm.

Bên cạnh đó là các quy định về đối tượng, mức đóng góp cho từng loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó thu gom, tái chế thì phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải; quy định về Hội đồng EPR quốc gia; Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia…

tt-nhan-dien-tu.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, để thực hiện hiệu quả các quy định mới về EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định định chi tiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện EPR và Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai. Những quyết định này sẽ làm rõ cơ cấu, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Hội đồng EPR; Văn phòng EPR, đồng thời, vạch ra lộ trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; kế hoạch truyền thông về EPR.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định và sớm trình Bộ trưởng ban hành.

Báo cáo rõ về nội dung 2 Quyết định trên, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện EPR có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ TN&MT các chính sách, giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm mở rộng đối với các sản phẩm, bao bì. Tổ công tác được hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhânh trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháo luật để thực hiện nhiệm vụ được giao.

tt-nhan-21-2-toan-canh.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Trong năm 2022, Tổ công tác sẽ cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư Quy chế quản lý chính thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu; Thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Quy chế và hoạt động của Hội đồng; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR; Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia; Xây dựng Đề án Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia; Tập huấn và nâng cap năng lực cho nhân sự tại Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR.

Từ năm 2022-2025, sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức chi phí tái chế; Quyết định quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông; Vận hành Hội đồng EPR; Vận hành và phát triển Công thông tin điện tử EPR; Thực hiện các hoạt động truyền thông về EPR; Xây dựng, công bố báo cáo EPR quốc gia.

Theo Dự thảo, Tổ công tác gồm 1 Tổ trưởng và các thành viên. Trong đó, ông Phan Tuấn Hùng là Tổ trưởng. Đại diện Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam… là thành viên Tổ công tác.

Phạm Oanh