Liên minh Châu âu sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu COP26
Thời sự - Ngày đăng : 08:44, 18/02/2022
Tại buổi làm việc ông Frans Timmermans cho biết, EU rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như lập trường của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15). Ông Frans Timmermans khẳng định Việt Nam là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển học tập và là nơi mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian sắp tới về phát triển bền vững.
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu mong muốn được lắng nghe những quan điểm, mục tiêu cũng như những khó khăn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung về việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tiến trình Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, lộ trình xây dựng và phát triển thị trường các-bon và hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15)….
Với những ý kiến của Phó Chủ tịch EU ông Frans Timmermans, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 với sự tham gia của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Đến nay đã có nhiều đối tác phát triển cam kết hợp tác với Việt Nam triển khai thực hiện cam kết.
Việt Nam đã luật hóa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định có liên quan về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn cũng như các quy định về các biện pháp hành chính có liên quan, Bộ TNMT cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về ứng phó với BĐKH.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó BĐKH; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của BĐKH.
Về Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để phản ánh nỗ lực đưa phát thải về “0” vào năm 2050, Việt Nam xem xét đề ra chính sách để loại bỏ năng lượng hoá thạch và thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền; Điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp lộ trình phát thải ròng bằng “0” vào 2050; Xây dựng lộ trình để nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì cập nhật NDC trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu đã cam kết.
Về lộ trình xây dựng và phát triển thị trường các-bon, Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết để xây dựng thị trường các-bon trong nước. Mục tiêu đến năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Với việc tham gia Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) giai đoạn 2 cũng như đóng góp nội dung vào Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 (Khung GBF). Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về cơ bản, Việt Nam ủng hộ các nội dung của GBF và đề nghị tiếp tục có nghiên cứu, hoàn thiện hơn về một số vấn đề liên quan tới: các chỉ tiêu, các chỉ số đánh giá cần được thiết lập bảo đảm tính khả thi; cần thiết lập các biện pháp thực hiện và cơ chế huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển để thực hiện các yêu cầu của GBF. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị EU sẽ tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ lại khái niệm bảo tồn để từ đó có thực hiện việc bảo tồn một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của từng quốc gia, từng địa phương, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân vùng bảo tồn. Để bảo tồn không chỉ góp phần giữ lại những giá trị sinh học mà mang lại những giá trị kinh tế, phục vụ cho phát triển. Đồng thời, việc bảo tồn cũng phải được thực hiện trong bối cảnh chung với ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả…
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng trong việc cụ thể hoá các cam kết quốc tế cũng như sự chuyển đổi mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, ông Frans Timmermans cho biết sẽ cùng với các quốc gia Liên minh Châu âu cũng như các tổ chức quốc tế, các đối tác chiến lược sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cam kết.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra đề xuất Ủy ban châu Âu và các quốc gia cộng đồng Liên minh châu Âu trong thời gian tới xem xét thúc đẩy một số hoạt động hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam luật hóa các cam kết tại COP26, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ; Việt Nam mong muốn hợp tác triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, các dự án chuyển đổi giao thông sạch, nhất là các dự án năng lượng mới như hydrogen xanh; Hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; Triển khai các dự án bảo tồn, trồng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Triển khai cam kết giảm phát thải khí mê-tan, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào việc giảm phát thải mê-tan thông qua xử chất thải theo mô hình tuần hoàn; mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện…
Thông qua chuyến công tác tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.