Sơn La: Đề xuất các nhóm giải pháp kiểm soát chất thải rắn nông thôn
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 15:04, 17/02/2022
Còn nhiều hạn chế trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn
Theo số liệu từ Sở TN&MT Sơn La, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đến hết năm 2020 đạt 75%, hết năm 2021 đạt 80%.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng Sơn La vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi gây khó cho công tác quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung. Công tác thu hút đầu tư đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng vướng mắc do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, ý thức của người dân về thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định còn hạn chế.
Tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường… còn diễn ra và khó xử lý. Một số xã đã thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường, tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, việc thu gom rác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư vẫn diễn ra… Chất thải nhựa khó phân hủy (với tỷ lệ trong các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 6 - 8%) cũng đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn chưa rõ ràng, chưa tập trung. Công tác lập và triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và nông thôn chưa phát triển đồng bộ. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa phù hợp, hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Sự tham gia của cộng đồng và nhận thức của xã hội về quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao.
Thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Tháng 9/2020, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBDN tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn. Qua việc phân tích, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh để xây dựng các giải pháp khắc phục cụ thể, phù hợp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm, quản lý và kiểm soát chất thải rắn nông thôn kịp thời, hiệu quả nhất.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã triển khai điều tra, thu thập, đánh giá các thông tin, dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội tại 11 huyện (183 xã), mỗi xã lựa chọn khu vực điều tra theo mật độ dân số (cao, trung bình, thấp), phỏng vấn trực tiếp ý kiến người dân, tìm hiểu thực tế phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn của tỉnh Sơn La và xác định những vấn đề bức xúc cần giải quyết
Để đánh giá thành phần, tính chất của chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã chọn 3 xã ngẫu nhiên tại mỗi huyện để thu mẫu, mỗi xã chọn ngẫu nhiên các hộ gia đình để thu toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong 24h. Sau khi lấy mẫu ngoài hiện trường, mẫu chất thải rắn sinh hoạt bảo quản và đưa về phòng thí nghiệm phân tích. Mẫu được xử lý và phân loại theo thành phần, khối lượng các nhóm: Nhóm rác thải hữu cơ, nhóm rác thải cháy được, nhóm rác thải không cháy được, nhóm rác thải nguy hại....
Qua đó, đã đánh giá các sức ép với ô nhiễm môi trường, so sánh sự phát thải chất thải rắn sinh hoạt nông thôn qua các năm, giữa các ngành, lĩnh vực với môi trường, sự phát thải chất thải rắn sinh hoạt nông thôn với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, giữa các khu vực nông thôn với nhau. Đánh giá hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và thực trạng công tác quản lý; các thách thức trong bảo vệ môi trường; phương hướng, giải pháp bảo vệ môi trường....
Kết quả, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn năm 2020 của tỉnh Sơn La dao động từ 64,54% đến 77,81%, và có sự chênh lệch không nhiều giữa các huyện. Một số huyện có tỷ lệ thu gom cao như huyện Phù Yên (77,54%), Thuận Châu (77,7%), Mường La (77,81%), Mai Sơn (76,57%), Yên Châu (76,1%). Một số huyện có tỷ lệ thu gom thấp hơn như huyện Mộc Châu (72,25%); Quỳnh Nhai (71,88%); Vân Hồ (71,79%) và thấp nhất là huyện Sông Mã (64,54%).
Toàn tỉnh có 23 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, gồm 2 bãi hoạt động đầy đã đóng cửa; 4 bãi rác ở Vân Hồ, Bắc Yên, Yên Châu đang chuẩn bị đi vào vận hành; 3 bãi rác xử lý bằng phương pháp đốt rác; 14 bãi chôn lấp, trong đó có một số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, khoảng 87% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Hầu hết các bãi chôn lấp được xây dựng và vận hành trước năm 2017, hầu hết các lò đốt được xây dựng sau năm 2017. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ phương pháp xử lý bằng chôn lấp sang phương pháp đốt trong thời gian gần đây.
Trên cơ sở đó, về lâu dài, đề ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy cán bộ và thanh tra, kiểm tra; nhóm giải pháp về tăng cường nguồn lực tài chính; nhóm giải pháp về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa.
Trước mắt, có thể thực hiện một số biện pháp cấp bách như: Triển khai Thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn một số huyện trọng điểm như Mộc Châu, Phù Yên... Xây dựng đề án và thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho một số chợ, trung tâm thương mại, công trình công cộng ở một số huyện để có thể tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Quán triệt cho nhân dân hiểu và thực hiện trách nhiệm chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân vùng nông thôn miền núi như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, có thể áp dụng các biện pháp mạnh như xử phạt hành chính với những cá nhân, hộ gia đình tái vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn như chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, đổ thuốc bảo vệ thực vật thừa xuống nguồn nước, vứt rác thải bừa bãi ra môi trường… Qua đó, để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường.