Cần sớm có hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung, thống nhất
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:42, 17/02/2022
Hệ thống thông tin đất đai (LIS) được hình thành nhằm phục vụ quản lý đất đai theo hướng hiện đại và đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của con người. Do đó, LIS được coi như một giải pháp kỹ thuật nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai theo xu hướng tin học hóa để quản trị đất đai. Đây là sự phát triển tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, không chỉ giúp cho quản lý chính xác hơn, mà còn tạo nhiều hiệu quả mới trong quản lý do có sự trợ giúp của LIS.
Khi hình thành giải pháp kỹ thuật này, LIS còn có ý nghĩa lớn hơn vì đất đai là địa bàn hoạt động chủ yếu của con người, có thể sử dụng mặt đất như một nền tảng quy chiếu mọi yếu tố khác gắn liền với trái đất và con người. Từ đó, hình thành mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), tức là LIS không chỉ phục vụ quản lý đất đai mà còn để chứa đựng hầu hết thông tin khác để phục vụ các ngành kinh tế - xã hội và người dân, doanh nghiệp.
Trên thực tế, LIS hiện nay đang được áp dụng để quản lý các dịch vụ công vì hầu hết các dịch vụ này đều gắn với từng thửa đất ở. Ngoài ra, các dữ liệu này trong tương lai sẽ được kết nối để quản lý xã hội như hộ khẩu, dân cư, lao động.... qua đó, những quyết định về hoạch định chính sách phát triển được hình thành với độ tin cậy cao.
Ở nước ta, Nghị Quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã xác định mục tiêu: “Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai”.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến giao dịch đất đai.
Riêng trong năm 2021, thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã tập trung chỉ đạo và hoàn thành: Thiết kế Hệ thống thông tin đất đai đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định theo hướng tập trung, thống nhất đảm bảo an toàn an ninh cấp độ V nhằm cung cấp một nền tảng mà dữ liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi với các Bộ, ban, ngành khác; thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy. Nội dung thiết kế này và các nội dung của Dự án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã được bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đưa vào Dự án xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Đã hoàn thành việc xây dụng Cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng bao gồm: Dữ liệu Thống kê, kiểm kê đất đai cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ quy hoạch 2010 - 2020 cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Giá đất (Dữ liệu Giá đất xây dựng theo Khung giá đất giai đoạn 2015 -2019, giai đoạn 2020 - 2024); Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai đã xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá thoái hóa đất, đánh giá chất lượng đất, đánh giá tiềm năng đất cấp vùng và cả nước; Dữ liệu tổng hợp địa chính Trung ương đã thống nhất bàn giao mẫu tổng hợp, phần dữ liệu đang được xây dựng trên cơ sở kết quả do địa phương tổng hợp.
Các bộ cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng này đã được bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường trong tháng 5/2021, riêng dữ liệu tổng hợp địa chính Trung ương sẽ bàn giao từng phần theo tiến độ báo cáo của các tỉnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã phối hợp với Tổng cục Thuế thực hiện “Kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản sản gắn liền với đất”, đến nay đã thực hiện kết nối liên thông được 19 tỉnh/thành phố.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 42 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai dạng giấy đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng.
Ngoài ra, đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) hướng dẫn và chỉ đạo cho 61 tỉnh, thành phố tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến thủ tục đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (hiện chỉ còn Hà Nội và TP.HCM chưa triển khai).
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, Cục Đăng ký đất đai kiến nghị Bộ TN&MT tập trung chỉ đạo sửa đổi Luật đất đai để đảm bảo hành lang pháp lý cho Hệ thống thông tin đất đai được hình thành tập trung, thống nhất; phân cấp quản lý, phân quyền cập nhật, vận hành và truy cập cụ thể.
Thời gian tới, Bộ cần quan tâm đầu tư và hướng dẫn đầu tư để sớm xây dựng được một hệ thống thông tin đất đai quốc gia hoàn chỉnh, tập trung, thống nhất.
Để hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai phát huy được hiệu quả, cần quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đơn vị quản trị theo dõi vận hành hệ thống thông tin (đơn vị sẽ hỗ trợ các địa phương cũng như làm công tác tổng hợp, phân tích và tính toán số liệu phục vụ công tác quản lý). Trước mắt, xem xét bố trí kinh phí cho việc xây dựng, cập nhật dữ liệu đất đai ở Trung ương do Trung ương vừa qua chưa có kinh phí thực hiện.