Gia Lai quản lý tài nguyên nước: Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:40, 17/02/2022

(TN&MT) - Việc đồng bộ các giải pháp điều tra, quy hoạch, giám sát và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước… đã góp phân nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua.

Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước

Một trong những giải pháp bảo vệ TNN đã và đang được thực hiện tại tỉnh Gia Lai, đó là khoanh định vùng cấm và vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Đề án này vừa được triển khai thực hiện đầu năm 2021, với kinh phí 2.161.996.000 đồng, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý TNN dưới đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo đó, toàn tỉnh có 251 khu vực thuộc 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó, có 25 khu vực bị ô nhiễm cần hạn chế khai thác. Theo ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT Gia Lai), các giếng nước được xác định ô nhiễm thông qua việc phân tích hơn 300 mẫu nước, trong đó, chủ yếu ô nhiễm dầu (do các khu vực này trước đây là nơi tập kết xăng dầu của chế độ cũ), sắt, canxi carbonat và thủy ngân (các chất này đã có sẵn trong nguồn nước).

anh-2-.jpg

Hồ chứa nước thủy lợi Ia Mơr (Gia Lai) có dung tích 180 triệu m3, cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Theo lộ trình, Gia Lai sẽ cho trám lấp các giếng nước trong danh mục bị ô nhiễm có sẵn trước đó; không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất. Riêng đối với khu vực xung quanh các giếng nước bị ô nhiễm, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nước và tiếp cận các nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

“Sở TN&MT sẽ không cấp phép mới, không gia hạn sử dụng nước dưới đất tại tất cả các khu vực hạn chế đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Sở cũng đang lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng phương án hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất theo lộ trình nhằm mang lại hiệu quả”, ông Lê Tuấn Anh cho biết.

Cùng với việc thực hiện các Dự án điều tra cơ bản, quy hoạch, quản lý, bảo vệ TNN, Gia Lai đã chú trọng thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép khai thác, sử dụng TNN, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Quy hoạch bền vững

Là tỉnh có thế mạnh lớn về TNN, tỉnh Gia Lai đã lập “Quy hoạch khai thác, sử dụng TNN tỉnh Gia Lai đến năm 2025”. Qua đó, đưa ra các giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN, phòng chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm bảo đảm an ninh lâu dài về TNN; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Việc quan trắc, giám sát TNN luôn được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch hằng năm. Ông Lê Tuấn Anh cho biết: Các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị luôn được cơ quan quản lý của tỉnh giám sát chặt chẽ. Sở TN&MT Gia Lai đã hoàn thành việc lắp đặt và vận hành hệ thống trạm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục để theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai hiện có 147 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện các loại và 3 vùng lưu vực sông: sông Ba, sông Sê San và sông Srê Pok. Tỉnh đã thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước của 22 hồ chứa thủy điện. Đây đều là nơi tích nước, phục vụ khai thác, sử dụng và phân vùng quy hoạch TNN phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho toàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Hiện, Sở TN&MT Gia Lai đã và đang triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt và nước dưới đất, đồng thời, đã đầu tư mới, nâng cấp các trạm quan trắc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý TNN trên địa bàn tỉnh. Từ đó, chủ động trong việc kiểm soát, xử lý cũng như kịp thời dự báo, cảnh báo đến người dân khi có các vấn đề ô nhiễm môi trường nước xảy ra. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm TNN. Đặc biệt, đề cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi, sự cố gây ô nhiễm nguồn nước.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Tài nguyên nước cũng được tỉnh Gia Lai tăng cường thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác TNN quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.

Việc rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thực hiện định kỳ. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cũng thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi nguồn nước.

Quế Mai