Bộ TN&MT và WWF thiết lập dấu mốc hợp tác mới, sâu rộng hơn trong tương lai
Thời sự - Ngày đăng : 19:21, 16/02/2022
Chiều 16/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) toàn cầu do Tổng Giám đốc Văn phòng WWF toàn cầu ông Prasanna De Silva làm Trưởng đoàn.
Tham gia đoàn công tác của WWF có bà Lan Mercado, Giám đốc WWF Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Dechen Dorji, Giám đốc Bảo tồn Động vật hoang dã khu vực châu Á; ông Mike Pejcic, Giám đốc Tài chính WWF - US; ông Nguyễn Quốc Hùng, Quyền Trưởng ban Dự án USAID BCA, WWF - US; Bà Michelle Owen, Trưởng Nhóm Dự án Cứu trợ Động vật hoang dã bị đe dọa, WWF - US; ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF - Việt Nam; cùng các cộng sự WWF tại Việt Nam.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, tham gia tiếp đoàn công tác WWF cùng Bộ trưởng có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng Bộ, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả đạt được qua báo cáo sơ kết tình hình và kết quả các hoạt động hợp tác của hai bên thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng ghi nhận sự hợp tác, hỗ trợ và đóng góp tích cực, hiệu quả của WWF cho công tác quản lý Nhà nước của Bộ, đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ những kết quả hợp tác của hai bên đã đạt được trong thời gian qua, cũng như cam kết của Việt Nam tại COP26 Bộ trưởng mong muốn, phía WWF sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng để có thể hoàn thành được những mục tiêu đặt ra.
Trao đổi tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Văn phòng WWF cho biết, đối với Cam kết của các Nhà lãnh đạo về thiên nhiên (NQ của CP thông qua tháng 1/2021). Việt Nam là một trong 89 quốc gia trên thế giới ủng hộ việc thông qua Bản cam kết này. Do vậy, WWF hỗ trợ nguồn lực cho Bộ/Việt Nam để xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Cam kết và tổ chức các cuộc họp tham vấn trong quá trình xây dựng Kế hoạch hành động này. Đồng thời, WWF sẵn sàng phối hợp với Bộ TN&MT để chọn một hoặc hai cam kết xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể và cung cấp hỗ trợ tài chính để vận hành kế hoạch này như một mô hình thí điểm.
Đối với cam kết tại COP26 UNFCCC, phía WWF đánh giá cao cam kết ấn tượng của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050 tại COP26. WWF sẵn sàng kết nối và tập hợp các yếu tố kỹ thuật, đóng góp kinh phí và các giải pháp hiệu quả về xây dựng chính sách, thực hiện chương trình ở cả cấp quốc gia và địa phương để ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo kinh phí để tổ chức các diễn đàn và các cuộc đối thoại giữa Bộ TN&MT và các tổ chức phi Chính phủ để trao đổi thông tin; WWF cũng xây dựng các dự án về biến đổi khí hậu, rừng, năng lượng, chất thải và nhựa, đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của Việt Nam (Net Zero)…
Trao đổi với Tổng Giám đốc Văn phòng WWF, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau khi thực hiện Cam kết của các Nhà lãnh đạo về thiên nhiên, Việt Nam đã cụ thể hóa các cam kết trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó: Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước; Giải quyết suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học và BĐKH; Xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP) theo GBF; Lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trong các kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của các ngành; đẩy mạnh triển khai các cơ chế tài chính cho đa dạng sinh học.
Nhất trí với đề xuất của WWF, Bộ trưởng đề nghị, hai Bên nghiên cứu đề xuất mô hình/sáng kiến để cùng nhau triển khai thực hiện Cam kết; và mong muốn WWF hỗ trợ nguồn lực trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng cũng đề nghị WWF xem xét hỗ trợ nghiên cứu và triển khai mô hình bảo tồn để vừa đảm bảo công tác bảo tồn, vừa đảm bảo sinh kế, phát triển kinh tế cho người dân địa phương khu vực bảo tồn.
Đối với cam kết tại COP26 UNFCCC, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau COP26, Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai, thực hiện cam kết, trong đó, đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; tiến hành nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện các cam kết.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tuần hoàn, các-bon thấp và đã khẩn trương thực hiện nghiêm túc các cam kết. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị phía WWF tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường luật hóa các cam kết tại COP26, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ; Hợp tác triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng, các dự án bảo tồn, trồng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức; cầu nối giữa Bộ TN&MT và các tổ chức Phi chính phủ lựa chọn các hoạt động hai bên cùng quan tâm để thực hiện đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Hai bên cũng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giải pháp, thỏa thuận về về rác thải nhựa đại dương, về kinh tế xanh, tài nguyên nước, các mục tiêu phát triển bền vững… Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn có sự hỗ trợ của WWF về chuyển giao mô hình, công nghệ, cơ chế tài chính… để hai bên có thể xây dựng được những dự án hợp tác chung và hoàn thành được những kỳ vọng mong muốn.
Tại buổi làm việc, hai bên cho rằng, MOU giữa Bộ và WWF ký kết năm 2019, hai Bên đã phối hợp và thực hiện nhiều hoạt động, dự án có hiệu quả cao, được Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đánh giá cao. Với những cam kết mới của Việt Nam và những vấn đề, thách thức mới ở phạm vi khu vực và toàn cầu, Bộ mong muốn có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn, với những nội dung sâu hơn, cụ thể hơn và ở phạm vi rộng hơn với WWF trong giai đoạn tới. Những nội dung hợp tác mới này đã được cập nhật vào trong MOU (sửa đổi). Nhân dịp Tổng Giám đốc Văn phòng WWF toàn cầu ông Prasanna De Silva sang thăm, làm việc lần này, hai Bên vui mừng và nhất trí ký kết làm mới lại MOU, lập một dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Bộ và WWF.
KẾT QUẢ HỢP TÁC VỚI WWF-VN TỪ KHI KÝ MOU NĂM 2019
1. Bảo tồn đa dạng sinh học
WWF đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho xây dựng chiến lược NBSAP 2021-2030, tầm nhìn 2050; cùng với Cục BTTN và ĐDSH triển khai sáng kiến Biodev 2030;
WWF đã phối hợp các hoạt động truyền thông giữa dự án Cùng cất tiếng nói vì đa dạng sinh học - Chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp ĐVHD ở Việt Nam của WWF và Dự án Phát triển quan hệ đối tác trong chống buôn bán bất hợp pháp ĐVHD của BCA/MONRE.
Thực hiện truyền thông chống buôn bán bất hợp pháp hổ, nuôi nhốt hổ trái pháp luật nhân ngày hổ; truyền thông vận động chính sách về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư để chúng được bảo vệ bởi Nghị định 84/2021 và Nghị định 07/2022.
2. Bảo vệ môi trường và tài nguyên biển
Bộ TN&MT, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và WWF đã khởi động Đối tác Hành động Nhựa Quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa và nền kinh tế vòng tròn, đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Thành viên thứ hai của ASEAN và đối tác toàn cầu thứ ba của Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu (GPAP).
Vào tháng 11/2020, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam, đã đệ trình tuyên bố bằng văn bản lên cuộc họp lần thứ tư của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) do Nhóm chuyên gia mở đặc biệt về biển khởi xướng. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của VASI về việc thúc đẩy các cam kết và hành động hỗ trợ thiết lập một Hiệp định toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa.
WWF đã thông qua Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương 10 triệu Euro được tài trợ bởi BMU và đồng thực hiện với VASI.
3. Kinh tế tuần hoàn
WWF đã hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng và hoàn thiện Luật BVMT 2020; Xây dựng và hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2020, tập trung vào các Chương Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Kinh tế tuần hoàn. Nghị định đã được ban hành tháng 1 năm 2022.
4. Hành động giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu
Cùng với các tổ chức NGO trong mạng lưới biến đổi khí hậu CCWG, WWF đã phối hợp với Cục BĐKH xây dựng và hoàn thiện kế hoạch Thích ứng Quốc gia NAP; hỗ trợ chuyên gia và kỹ thuật để vận động lồng ghép giới vào Kế hoạch Thích ứng Quốc gia cũng như bộ chỉ số trong thích ứng với BĐKH.
Với tham vấn của Cục BĐKH, WWF đã gây quỹ thành công để đưa các giải pháp về giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH như Khai thác cát bền vững, kêu gọi hỗ trợ tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các diễn đàn quốc tế như COP26, Global Adaptation Center;
WWF đã phối hợp chặt chẽ với Bộ tổ chức một số hội thảo tham vấn với NGO trong tiến trình rà soát và cập nhật NDC, với mục tiêu thúc đẩy các mục tiêu về cắt giảm KNK hướng đến Net Zerom
Hỗ trợ nguồn lực cho các đại biểu thuộc Bộ TN&MT dự COP25 và COP26 cũng như đồng phối hợp tổ chức một số sự kiện bên lề tại COP26.
5. Quản lý tài nguyên nước
WWF tham gia tích cực vào Nhóm Công tác Mekong (Mekong Delta Working Group) trong tổ chức các diễn đàn Forum, đặc biệt trong bối cảnh COVID 19 nhưng WWF và các đối tác vẫn cùng Bộ tổ chức thành công các cuộc họp và hội thảo với chủ đề thích ứng và NbS.
WWF đã tham vấn Vụ Khoáng sản trong các hoạt động về thúc đẩy khai thác cát bền vững ở ĐBSCL và phát triển sử dụng vật liệu thay thế cát sông.
6. Các mục tiêu phát triển bền vững
WWF đã hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn tất thủ tục thông qua “Cam kết của các Nhà lãnh đạo về thiên nhiên”. Cam kết của các nhà lãnh đạo về thiên nhiên được đưa ra trong khuôn khổ UNGA lần thứ 75 Cam kết đã được Chính phủ Việt Nam thông qua vào tháng 1 năm 2021, bao gồm 10 hành động đã cam kết có thể thúc đẩy các công việc trong tương lai ở cấp quốc gia nhằm giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học, bảo vệ mạng lưới an toàn, và đảm bảo xây dựng các kết quả tích cực cho thiên nhiên, khí hậu và phát triển bền vững.