Bình Định: Huyện Tuy Phước được công nhận nông thôn mới.

Trong nước - Ngày đăng : 14:34, 16/02/2022

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bình Định, sáng 16/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác về dự Lễ công bố huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Huyện Tuy Phước được đánh giá đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp huyện theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

dsc08809.jpg
 Quang cảnh Lễ công bố huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 

Toàn huyện hiện có 12/14 Hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất giống với các công ty, tập đoàn lớn, hằng năm liên kết sản xuất giống trên 1.200 ha, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật tiên tiến. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,8 triệu đồng/năm (tăng 2,4 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,92% (giảm 7,92% so với năm 2011); hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn đạt 99,3%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 48,67%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 74,1%.

dsc08822(1).jpg
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố 

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ấn tượng về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Tuy Phước với nhiều mô hình sinh động, hiệu quả. Chủ tịch nước cũng chúc mừng chính quyền và nhân dân Bình Định đã có 84/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ở mức cao so với cả nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, xây dựng nông thôn mới là việc cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho nông dân. Vui mừng về thành tích của Tuy Phước, giảm mạnh số hộ nghèo, đạt mức thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/người/năm, Chủ tịch nước cũng đề cập đến các mục tiêu bao trùm trong xây dựng nông thôn mới, đó là: Nâng cao đời sống vật chất tinh thần, văn hóa của người dân, nhất là những nét truyền thống của văn hóa Việt như: Tình làng, nghĩa xóm; tôn sư trọng đạo, hỗ trợ nhau lúc ốm đau hoạn nạn. Xây dựng nông thôn mới còn phải giữ vững an ninh nông thôn, đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ tịch nước đề nghị trong xây dựng nông thôn mới, Tuy Phước phải hướng đến hiện đại hóa hơn nữa về khoa học công nghệ; ngày càng có nhiều sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho các thành phố lớn. Xây dựng nông thôn mới ở Tuy Phước phải chú trọng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của kinh tế hộ, kinh tế nhiều thành phần, trong đó coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý trong tiến trình đó, Tuy Phước phải coi trọng hơn nữa việc củng cố hệ thống chính trị theo hướng sát dân, sát cơ sở, “lo cho dân, đi sát phong trào của nhân dân, chia sẻ khó khăn với nhân dân. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên địa bàn”. Chủ tịch nước căn dặn Tuy Phước không được “thỏa mãn non, tránh bệnh thành tích”, nỗ lực hoạt động hiệu quả hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ này.

dsc08832.jpg
  Chủ tích nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho các gia đình chính sách của huyện Tuy Phước 

Với tinh thần đó, Chủ tịch nước mong muốn chính quyền và nhân dân Tuy Phước, giữ vững khát vọng, nêu cao ý chí, đột phá hơn nữa trong phát triển, đưa huyện tiến bước cùng các huyện nông thôn mới khác của Việt Nam. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp số để phục vụ người dân tốt hơn. “Tuy Phước phải trở thành một huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao của Việt Nam”, Chủ tịch nước hy vọng.

Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Bình Định và huyện Tuy Phước cần có kế hoạch cụ thể, bước đi phù hợp, giữ vững môi trường sống cho người dân, nhất là Đầm Thị Nại – lá phổi xanh trên địa bàn tỉnh.

dsc08791.jpg
  Những đổi thay của huyện Tuy Phước trong tiến trình xây dựng nông thôn mới 

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có thể nhận thấy diện mạo nông thôn mới tại Bình Định thay đổi mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 84/113 xã được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 74,3%; có 8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 4/11 đơn vị cấp huyện (huyện Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện Phù Cát đang hoàn thành các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định đến năm 2025 - năm kết thúc nhiệm kỳ, Bình Định có trên 85% tổng số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đây cũng là sự kiện kết thúc chuyến thăm và làm việc với tỉnh Bình Định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao trong dịp này và Chủ tịch nước sẽ có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ngãi.

Mỹ Bình