Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Điện Biên tiếp tục mở tài khoản cho các chủ rừng

Môi trường - Ngày đăng : 10:50, 16/02/2022

(TN&MT) - Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua hình thức mở tài khoản cho các chủ rừng, tại các ngân hàng và thanh toán tiền qua tài khoản thông qua tài khoản, thay thế toàn bộ hình thức thanh toán bằng tiền mặt trước đây.

Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu mà năm qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên thực hiện rất tốt, nhằm khắc phục tình trạng cán bộ của Quỹ áp tải tiền mặt đi chi trả ở các địa phương, nguy cơ mất an toàn, nhầm lẫn, sai sót khó tránh khỏi khi thanh toán tiền cho các chủ rừng, với số lượng tiền lên đến vài tỷ đồng/ một địa phương.

Cùng với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các đơn vị liên quan trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR; quản lý, sử dụng các nguồn ủy thác chi trả DVMTR, trồng rừng thay thế theo đúng quy định. Từ đó,Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ chủ rừng mở thêm 285 tài khoản cho 285 chủ rừng; lũy kế đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã mở tài khoản cho 2.273/4.608 chủ rừng và trong năm 2021 thực hiện chi trả DVMTR qua tài khoản cho 1.945 chủ rừng, với số tiền hơn 218,40 tỷ đồng đạt 100% tổng số tiền đã chi trả.

img_20220215_165922.jpg

Chính sách chi trả DVMTR  giúp người dân nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng nâng cao.

Bà Đặng Thị Thu Hiền - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Nhằm giảm thủ tục hành chính, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí khi chi trả tiền DVMTR; nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR và chi trả tiền DVMTR thuận tiện, an toàn, tăng sự chủ động trong việc tiếp nhận tiền, giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển, cất giữ số tiền lớn của các chủ rừng.

Tuy nhiên, với những huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, các chủ rừng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, một số chủ rừng không biết chữ. Bên cạnh đó, địa điểm giao dịch của một số ngân hàng còn cách xa các thôn, bản và đường xá đi lại khó khăn cũng là một trong những rào cản đối với việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản.

Ngoài ra, một số tồn tại vướng mắc trong qua trình thanh toán tiền cho các chủ rừng là do quyết định giao đất, giao rừng của một số chủ rừng không trùng khớp với thông tin trong chứng minh thư nhân dân hoặc chứng minh thư nhân dân hết hạn, nên không mở được tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có diện tích nhỏ lẻ và số tiền ít nên không mặn mà trong việc mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR. Đó cũng là những rào cản lớn trong việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng hiện nay.

images1701038_3__2_.jpg

Rừng ở Điện Biên ngày càng xanh tốt nhờ được bảo vệ và chăm sóc

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiếp tục rà soát, tổng hợp các chủ rừng chưa mở tài khoản, tham mưu giúp Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đề nghị UBND cấp huyện, chỉ đạo UBND các xã, đôn đốc các chủ rừng chưa mở tài khoản, kiến nghị với các chủ rừng không có khả năng mở tài khoản, để Quỹ có phương án tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, Quỹ cử cán bộ chuyên môn tăng cường tuyên truyền phổ biến, kiểm tra, giám sát tập huấn chuyên môn cho các chủ rừng…và hợp nhất dữ liệu chi trả DVMTR với kết quả kiểm kê rừng; kết quả rà soát, điều chỉnh, quy hoạch 3 loại rừng và kết quả giao đất, giao rừng…

Tuy nhiên đề làm được điều này thì cần có sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã, tuyên truyền, phổ biến, đến cho các chủ rừng hiểu được quyền và lợi ích nghĩa vụ đi kèm. – Bà Hiền nói.

Hoàng Châu