Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực môi trường năm 2022

Thời sự - Ngày đăng : 16:48, 15/02/2022

Ngày 15/2, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã họp với Tổng cục Môi trường việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực môi trường năm 2022.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong năm 2022 Tổng cục sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đánh giá tác động tới môi trường; Tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM, cấp GPMT; tăng cường năng lực phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải nhựa; Đẩy mạnh hoạt động quản lý cải thiện chất lượng môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường; Đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là chế định về di sản thiên nhiên và chi trả dịch vụ hệ sinh thái…

6l0a8496.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì họp với Tổng cục Môi trường việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực môi trường năm 2022

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về môi trường. Cụ thể, tổ chức tập huấn cho các đối tượng liên quan, triển khai hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường; tiếp tục kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương (cấp huyện) trên phạm vi cả nước để kịp thời nắm bắt thông tin, phục vụ xử lý, giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh ngay từ cơ sở. Ngoài ra, chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

Một trong những những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là việc thực hiện triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tổng cục được giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu huy động toàn bộ các đơn vị trực thuộc Bộ cùng tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn khi triển khai thực hiện.

6l0a8486.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại cuộc họp

Thời gian tới, Tổng cục sẽ thiết lập cơ chế tiếp nhận, giải đáp trực tuyến các vướng mắc, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp; Trình công bố thủ tục hành chính (TTHC); tham mưu việc phân công đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước; ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC...

Tham luận tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã góp ý, bổ sung một số nội dung về công tác kế hoạch tài chính; khoa học công nghệ; thanh tra kiểm tra; giám sát các giấy phép đã cấp phép; giải đáp các chính sách pháp luật; thực hiện các công ước quốc tế… Những nội dung này đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng làm rõ để Tổng cục Môi trường cùng phối hợp và triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nhiệm vụ của Tổng cục Môi trường trong thời gian tới là rất quan trọng. 

6l0a8483.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Để Luật BVMT 2020 đến được những đối tượng khác nhau, Tổng cục Môi trường cần phải xây dựng nhiệm vụ, phân công công việc cụ thể, đồng bộ. Rà soát và hoàn thiện thể chế phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, từ thực tiễn xây dựng được các mô hình quản trị tổng hợp có sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân phù hợp với quá trình phát triển.

Đối với những tồn tại về ô nhiễm môi trường hiện nay, Bộ trưởng đề nghị phải đưa ra mô hình quản lý có tính thực tiễn, phù hợp với từng điều kiện cụ thể; thanh tra kiểm tra các khu vực có ô nhiễm và kiên quyết xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học phải tính toán vừa bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo được phát triển kinh tế, sinh kế cho người dân địa phương.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Môi trường phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường của Bộ xây dựng dữ liệu  môi trường quốc gia. Số hoá các cơ sở dữ liệu về quan trắc, đa dạng sinh học, nguồn thải, thanh tra, dịch vụ công, chất lượng môi trường… Tất cả phải đồng bộ và thống nhất một nền tảng công nghệ từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, bám sát chức năng nhiệm vụ để rà soát và phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ hoàn thành được các nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

Khương Trung