Ngôi nhà của Voi giữa đại ngàn Trường Sơn
Môi trường - Ngày đăng : 11:45, 15/02/2022
Theo dấu ông “Tượng”
Nông Sơn bốn bề núi non trùng điệp, tiết lập xuân chưa đủ sức xua đi cái lạnh giá nơi đây, tê tái cứa vào da thịt. Vậy mà, cái rét này không cản được bước chân tuần tra rừng của các nhân viên thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn. Theo các nhân viên khu bảo tồn, chúng tôi vào rừng, trải nghiệm đợt tuần tra.
“Đại ngàn quá rộng, anh em phải chia nhau ra tuần tra, có đợt nhân viên nữ cũng phải tăng cường đi rừng. Trước Tết, nhóm chuyên gia thông tin đàn voi 8 con trong Khu bảo tồn vừa sinh thêm 1 “bé” voi. Anh em mừng lắm. Điều này cho thấy từ khi Khu bảo tồn thành lập thì sinh cảnh sống của voi đã ổn định hơn, giảm nguy cơ bị đe dọa hay quấy phá và có nguồn thức ăn dồi dào hơn.”- anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên Khu bảo tồn chia sẻ.
Vừa đi, các nhân viên của Khu bảo tồn vừa chỉ cho chúng tôi dấu vết của bầy voi. Những dấu chân to in hằn dưới đất, dù cơn mưa rừng đêm qua nhưng vẫn không làm mờ được dấu chân của những “ông Tượng”. Thỉnh thoảng, những bãi phân voi nằm rải rác ở lối mòn dẫn vào rừng sâu... Tiếp tục đi vào những khoảnh rừng trồng cây mây, giang, nứa… là loại thức ăn voi yêu thích nhưng cũng chỉ thấy những vết hằn trên thân cây do chúng để lại. Giải thích tại sao khó gặp đàn voi rừng, anh Tuấn nói, voi thường sinh sống ở trong rừng sâu, chúng chỉ đến rừng thưa khi hết thức ăn.
10 năm gắn bó với núi rừng Nông Sơn, mỗi tháng ăn núi, ngủ rừng đến 20 ngày để bảo vệ đàn voi quý hiếm nhưng anh Tuấn và các đồng nghiệp cũng chỉ dám đứng từ xa để quan sát bởi đặc tính của voi rất nhạy với mùi mồ hôi của con người. Theo bản năng của loài, chúng sẽ tìm cách tấn công khi phát hiện mùi lạ, hoặc sẽ gầm rú rất hung dữ, do vậy tốt nhất là tránh gặp, chỉ cần biết đàn voi đang bình yên trong rừng là an tâm.
Giữ nhà cho voi
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn được tỉnh Quảng Nam thành lập từ năm 2017 với mục đích bảo vệ những quần thể voi châu Á cuối cùng ở Việt Nam. Ông Mai Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn chia sẻ, đàn voi như báu vật thiên nhiên ban tặng nên dân Quế Lâm cùng với nhân viên Khu bảo tồn ra sức bảo vệ. Từ chỗ căm ghét đàn voi vì sự quấy phá của chúng, người dân bản địa đã “giang rộng vòng tay” và nhận thức đúng về giá trị bảo tồn loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.
Ông Dưỡng kể, Ban Quản lý còn giao hẳn máy ảnh kỹ thuật số cho một người dân địa phương “tác nghiệp” mỗi khi gặp voi. Mỗi khi có các đoàn khoa học về khảo sát, Ban đều nhờ chú dẫn đường vào khu vực có voi ở. Đến nay, Ban đã thành lập 4 nhóm bảo tồn cộng đồng tại xã Quế Lâm và Phước Ninh để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh xung đột giữa voi với người.
Cũng theo ông Dưỡng, trước, trong và sau Tết cũng như các dịp nghỉ lễ là giai đoạn hoạt động liều lĩnh của lâm tặc nên thời gian vừa qua, nhân viên của Khu bảo tồn thực hiện nhiều chiến dịch truy quét. Để bảo đảm an toàn những cánh rừng, Khu bảo tồn vẫn duy trì 3 chốt chặn và cán bộ được chia ca trực xuyên suốt trong những ngày Tết. Những khu vực trọng điểm được tăng cường thêm lực lượng, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng, đe dọa sự nguy hiểm của đàn voi quý.
“Đàn voi sinh trưởng tốt, ngoài bảo vệ chuyên trách của khu bảo tồn thì dân làng cũng góp phần. Bà con đã xem voi là tài sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, con người nơi đây nên rất tâm huyết bảo vệ. Còn những người từ xa đến thì rất khó quản lý.”
Ông Mai Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn.
Không khí ngày xuân vẫn đang lan tỏa nơi nơi. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - tôi chợt nghĩ đến lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” khi nói chuyện với những người gác rừng ở Nông Sơn. Giữa “đại ngàn” của Quảng Nam, họ vừa trải qua những ngày Tết xa gia đình để canh giữ, bảo vệ sự bình yên cho những đàn voi. Với họ, rừng là ngôi nhà thứ hai và những gì thuộc về rừng đều thân thương như gia đình. Tình yêu với voi là một minh chứng.