Quản lý đất đai nhìn từ hoạt động đấu giá đất: Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Đất đai - Ngày đăng : 11:44, 15/02/2022

Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất. Đồng thời, rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để bảo đảm an toàn tín dụng.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để bảo đảm an toàn tín dụng.

Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất nhằm đầu cơ, thổi giá đất.

3-2-.jpg

Công tác thanh kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế các vi phạm về quản lý đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố xác định giá khởi điểm hợp lý, bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường kiểm tra, giám sát với doanh nghiệp tham gia đấu giá...

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị để ngăn ngừa lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, chọn được nhà đầu tư có năng lực.

Theo HoREA, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.

Cụ thể, tùy theo loại tài sản đấu giá mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì phù hợp nhất là áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”, hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016; trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức “đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ” (quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013)”.

Liên quan tới vấn đề này, Chính phủ mới đây có quyết định 2161/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Thúy Nhi