Bài ca của thiên nhiên và di sản văn hóa

Xã hội - Ngày đăng : 11:42, 15/02/2022

Các di sản địa chất (DSĐC) dù có đặc sắc đến mấy cũng chưa đủ để làm nên một công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu. UNESCO nhấn mạnh, CVĐC không chỉ có địa chất, không chỉ có DSĐC, CVĐC cần thể hiện được mối liên hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, giữa văn hóa với địa chất, giữa di sản văn hóa với DSĐC. Và từ góc độ này thì cả 3 CVĐC hiện nay của Việt Nam đều xuất sắc thỏa mãn những điều kiện cần và đủ ấy.

Đa dạng sắc màu các CVĐC của Việt Nam

Những điều trên được PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) - chia sẻ với chúng tôi vào một ngày đầu xuân. Thành viên của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO cho biết, Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em, Non Nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 7 dân tộc, trong khi CVĐC Đắk Nông ngoài 3 dân tộc ít người ban đầu, còn có hàng chục nhóm các dân tộc ít người sau này tìm đến sinh sống, mang theo những giá trị di sản, truyền thống sinh hoạt, tập tục mà tổ tiên, ông bà họ đã gìn giữ và trao truyền lại.

Đặc biệt, nếu để ý, chúng ta có thể sẽ thấy “đất nào người nấy” - điều kiện tự nhiên, cụ thể là điều kiện địa chất ở đâu, như thế nào thì văn hóa của các dân tộc sinh sống ở đó cũng đặc sắc như thế. Cao nguyên đá Đồng Văn tưởng chừng như khắc nghiệt là thế mà từ hàng ngàn năm qua, đồng bào các dân tộc vẫn kiên cường sống, kiên cường bám trụ, “sống trên đá chết vùi trong đá”.

a1-cao-nguyen-da-dong-van-1-.jpg

Xuân về trên Cao nguyên đá (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn)

“Bạn đã bao giờ thấy cảnh một chàng trai người Mông vừa thổi khèn vừa nhảy lửa trên Cao nguyên đá Đồng Văn chưa? Dữ dội nhưng cũng rất lãng mạn đúng không? Bạn đã bao giờ trải nghiệm bộ áo chàm, điệu hát Then cùng cây đàn Tính của người Tày, người Nùng ở Non Nước Cao Bằng chưa? Có phải họ đang hòa mình vào, nép mình vào, để mà cảm ơn Mẹ Thiên nhiên đã và đang rất ưu đãi họ không? Hoặc có bao giờ bạn để ý đến trang phục của đồng bào bản địa ở CVĐC Đắk Nông chưa? Có phải họ rất chuộng hai sắc màu chủ đạo là đỏ và đen? Màu của trầm tích ở vùng núi lửa từng phun trào mà tổ tiên, ông cha họ đã từng có dịp chứng kiến”.

Nhìn từ góc độ này sẽ thấy, rất nhiều CVĐC của nhiều nước khác trên thế giới đã không còn giữ được những giá trị văn hóa bản địa như thế này nữa. PGS.TS Trần Tân Văn đã có lần hỏi chuyện một người bạn Na Uy, rằng ở CVĐC của bà có những giai thoại, truyền thuyết, cổ tích đặc sắc như vùng núi Đồng Văn của chúng tôi không?, và bà ấy thất vọng lắc đầu. Hoặc như nhiều CVĐC bên Nhật Bản, sự đa dạng sắc màu văn hóa đã không có được ưu đãi khi một đất nước mà hơn 90% dân số trên toàn lãnh thổ chỉ cùng thuộc một dân tộc và hình như chỉ thêm một hoặc hai dân tộc ít người nữa ở tận cùng phía Bắc. Đi đến đâu cũng chỉ gặp đúng một loại hình văn hóa, một loại hình truyền thống, phong tục, tập quán... Họ không có được những đa dạng sắc màu truyền thống văn hóa như các CVĐC của Việt Nam.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Về câu chuyện tìm kiếm và xây dựng 3 CVĐC trên để được công nhận là CVĐC toàn cầu, công việc tìm kiếm một khu vực có tiềm năng trở thành CVĐC và hơn nữa có tiềm năng trở thành một CVĐC Toàn cầu sẽ do các nhà khoa học thực hiện. Trong khi đó, xây dựng một CVĐC chủ yếu là việc của chính quyền và cộng đồng địa phương ở những nơi có triển vọng thành công, các nhà khoa học khi đó chỉ đóng vai trò tư vấn. Tuy vậy, hai hệ thống công việc vẫn diễn ra liên tục trong sự phối hợp nhịp nhàng, bởi xây dựng CVĐC là một nỗ lực không ngừng nghỉ và tìm kiếm các giá trị di sản trong CVĐC đó cũng là việc làm không có hồi kết.

Cứ sau mỗi 4 năm, một CVĐC Toàn cầu UNESCO sẽ phải vượt qua một kỳ tái thẩm định bởi các chuyên gia UNESCO. Mỗi lần tái thẩm định, các chuyên gia lại cố gắng đưa ra một số khuyến cáo, kiến nghị, với mong muốn CVĐC được tái thẩm định sẽ tiếp tục nỗ lực, tiếp tục phấn đấu.

“CVĐC là nơi tất cả các giá trị di sản, văn hóa, khảo cổ, lịch sử, đa dạng sinh học..., vật thể lẫn phi vật thể, và đặc biệt là các di sản địa chất được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể, bền vững. Để một khu vực được cho là có triển vọng trở thành CVĐC, chỉ công sức của các nhà khoa học địa chất là chưa đủ. Các nhà khoa học ở các lĩnh vực khoa học khác cũng cần phải chung sức tìm kiếm, đánh giá, phân loại, xếp hạng, bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị mọi loại hình di sản”.

PGS.TS Trần Tân Văn

CVĐC là nơi tất cả các giá trị di sản, văn hóa, khảo cổ, lịch sử, đa dạng sinh học..., vật thể lẫn phi vật thể, và đặc biệt là các di sản địa chất, được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể, bền vững. Để một khu vực được cho là có triển vọng trở thành CVĐC thì công sức chỉ một mình các nhà khoa học địa chất là không đủ. Các nhà khoa học của các lĩnh vực khoa học khác cũng cần phải chung sức vào, tìm kiếm, đánh giá, phân loại, xếp hạng, bảo tồn, bảo vệ, phát huy giá trị, xin nhấn mạnh là mọi loại hình di sản. Và đó chính là những thứ mà chúng ta muốn trao truyền lại cho thế hệ mai sau, như chúng ta đã nhận lại từ các thế hệ cha ông, ông Tân Văn cho biết.

Chúng ta đang nỗ lực hướng đến và hành động. Các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030, được Liên Hợp Quốc khởi xướng năm 2015, được Chính phủ Việt Nam cụ thể hóa tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Và gần đây nhất, một lần nữa, được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020. Việc còn lại là cách để chúng ta đạt được những mục tiêu kể trên để có thể nâng cao nhận thức, cũng như hiểu biết về tất cả các vấn đề, từ số lượng tài nguyên chúng ta sử dụng đến tác động của nó đối với môi trường, tính bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như giảm thiểu các thảm họa tự nhiên gây ra mối đe dọa hoặc rủi ro cho chính loài người và trái đất mà CVĐC nói chung, CVĐC Toàn cầu nói riêng gánh trên vai sứ mệnh.

Mai Đan