Thừa Thiên - Huế: Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường

Xã hội - Ngày đăng : 14:24, 11/02/2022

(TN&MT) - Việc nới lỏng các hoạt động như karaoke, massage, spa, internet... nhằm không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống. Tuy nhiên lãnh đạo Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu người dân tiếp tục không được lơ là, chủ quan với COVID – 19, đặc biệt, đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp là ưu tiên hàng đầu.

Điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch

Trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế, tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, kể từ 11/2, nhà hàng, quán ăn, quán cafe, pub beer, internet, trò chơi điện tử, karaoke được phép hoạt động không quá 50% công suất phục vụ và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, như khách hàng từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, bàn cách bàn 2m, khử khuẩn, quét mã QR code. Cơ sở xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ/spa được phép hoạt động không quá 50% công suất và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.

174318601_259023209286303_3776103480894548747_n.jpg

Thừa Thiên –Huế nới lỏng các hoạt động

Tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức và phải đảm bảo quy định: bàn cách bàn 2m, người tham dự từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khử khuẩn, quét mã QR theo quy định và không quá 50% công suất của hội trường.

Bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, areobic, khiêu vũ, bida…): được phép hoạt động không quá 50% công suất và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được phép hoạt động nhưng không quá 50% công suất và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch. Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, homestay (gọi chung là cơ sở lưu trú) được phép hoạt động và phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, mặc dù số ca nhiễm có tăng trong dịp Tết nhưng cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Thừa Thiên - Huế vẫn giữ được mức độ ổn định, an toàn.

img_20211221_112624.jpg

Tiêm vắc xin cho người già yếu không thể đi lại

Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian đến vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng phòng chống dịch phù hợp với từng diễn biến cụ thể trên địa bàn; chủ động trong việc tầm soát, cho học sinh đến trường; chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang cũng như hiểu đúng, đồng thuận với các biện pháp phòng chống dịch… Ngành Y tế tiếp tục rà soát bổ sung đầy đủ vật tư, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng chống và điều trị, cấp cứu; đáp ứng năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn...

Đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trực tiếp

Sở GD&ĐT cho biết, đã phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên (21.931 người, đạt tỷ lệ 98,81%) và học sinh từ 12 đến 18 tuổi (91.740 em, đạt tỷ lệ 97,84%) kịp thời, đảm bảo an toàn.

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã tổ chức kiểm tra học kỳ, tổ chức sơ kết học kỳ I và dạy học chương trình học kỳ II theo kế hoạch. Ngày 8/2 (ngày học thứ 2 học sinh bắt đầu đi học lại sau Tết), tỷ lệ trường, học sinh đi học trực tiếp khá cao trong đó có 100% trường TH, THCS, THPT tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, đối với cấp học mầm non có 94,1% số trường cho học sinh đi học trực tiếp; tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp toàn tỉnh đạt 70,7%...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị ngành giáo dục và đào tạo có hướng dẫn, kế hoạch cụ thể cho các phòng giáo dục và đào tạo các địa phương, bằng các giải pháp mang tính thống nhất, có một khung chung để triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, đến các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể đến các địa phương để đảm bảo an toàn về các quy định phòng chống dịch. Ngành giáo dục cần rà soát các cơ chế, chính sách, tham mưu UBND tỉnh để có phương án hỗ trợ, đảm bảo các quyền lợi cho giáo viên, nhân viên trong trường học.

273497106_246396224330638_887578915459620236_n(1).jpg

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác dạy học sau Tết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng lưu ý ngành giáo dục, các địa phương cần đảm bảo đạt ưu tiên các điều kiện phòng chống dịch cho các em học sinh khi đến trường. Cùng với đó vận động, khuyến khích, động viên phụ huynh học sinh chủ động tầm soát cho các cháu trước đưa đến trường học, trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác tầm soát, xét nghiệm. Các nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cần chủ động tạo kênh thông tin liên lạc đến với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin. Đối với việc xử lý F0 trong nhà trường, cần tiến hành bóc tách các F0, F1 (tiếp xúc gần), rồi đảm bảo việc học cho các em học sinh.

“Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế tiến hành kiểm tra, rà soát các giáo viên và học sinh chưa tiêm vắc xin để tiến hành tiêm đảm bảo độ bao phủ vắc xin. Ngành giáo dục cần phân luồng nhóm các học sinh ở các cấp học, để tổ chức dạy phụ đạo cho các em học sinh, đảm bảo kết thúc học kỳ II theo đúng kế hoạch đề ra. Các trường học lựa chọn tổ chức các hoạt động, đảm bảo các quy định, ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng cho các em học sinh...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tính đến hết ngày 10/2, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 23.205 ca F0, tử vong 160 ca. Tỷ lệ % người tiêm vắc xin mũi 1 là 100,72%, mũi 2 là 97,2%, mũi bổ sung là 63,38%.

Văn Dinh