Sửa đổi Luật Dầu khí: Phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 11/02/2022
Khai thác hiệu quả tài nguyên
Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), hiện nay, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, Luật Dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện.
Trước sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Dầu khí, thời gian qua, nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi (hiện đã được chỉnh sửa lần thứ 3 – V3), Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi, tập trung vào các nội dung, nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam - cho biết, với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 9601/TTr-BCT ngày 14/12/2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021, Petrovietnam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài...
Cần cơ chế đặc thù
Góp ý cho việc sửa đổi Luật Dầu khí, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho hay, ngành dầu khí hiện nay là một tài nguyên của quốc gia cực kỳ quan trọng, quý giá, đóng góp rất lớn vào thu ngân sách của nhà nước, cần phải bảo vệ, khai thác có chọn lọc, hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - cho rằng, với vai trò quan trọng của ngành dầu khí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Dầu khí đang được tiếp tục sửa đổi, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đã làm văn bản gửi Chính phủ gồm 5 vấn đề chính. Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất đó là, để kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dầu khí phải có cơ chế, chính sách đặc thù.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới; trên cơ sở đó, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Dầu khí mới để điều chỉnh đầy đủ, toàn diện các hoạt động dầu khí gồm các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Đồng thời, điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Căn cứ từ thực tiễn những khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, trữ lượng khí và triển vọng phát triển công nghiệp khí của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá, có thể nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội thông qua luật riêng về cung ứng khí, bao gồm phát triển tài nguyên khí, vận chuyển và phân phối khí.
Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các dự án tại các vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp; dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác khí than, chính sách nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ ngành dầu khí...
Dự kiến, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).