Cần đưa nội dung bảo vệ đại dương vào giáo dục trong trường học từ năm 2025

Thế giới - Ngày đăng : 12:12, 11/02/2022

Người đứng đầu Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết, giáo dục cần phải là một trong những trụ cột quan trọng cho hành động của các quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ tốt hơn các vùng biển và đại dương khỏi tác hại của biến đổi khí hậu.
image1170x530cropped-43-.jpg

Trẻ em khám phá cuộc sống đại dương tại triển lãm động vật không xương sống của Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: NOS / NOAA

Công cụ giáo dục mới

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương mới đây tại thành phố biển Brest, miền Tây nước Pháp, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: "Nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương tốt hơn, chúng ta phải đưa nội dung này vào giáo dục”.

Đặt điều này làm mục tiêu chung cho 193 Quốc gia thành viên của UNESCO, bà Azoulay yêu cầu họ đưa giáo dục về đại dương vào chương trình giảng dạy ở trường học vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu trên, UNESCO cung cấp cho các nhà ra quyết định một bộ công cụ với khung tham chiếu dùng chung về nội dung giáo dục về chủ đề này.

Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách giáo dục cho biết: “Bước đi này, sẽ cho phép tất cả các quốc gia có vị trí bình đẳng để nhanh chóng đặt đại dương vào trọng tâm của việc giảng dạy và nâng cao kiến thức của sinh viên trong lĩnh vực này, để họ trở thành những công dân có trách nhiệm và cam kết”.

Các công cụ giáo dục mới do UNESCO cung cấp cho thấy, cần phải thay đổi cách xã hội tương tác với đại dương để đạt được một mô hình bền vững hơn. Trong công cụ tham khảo của mình, UNESCO nêu bật các cách làm tốt của các quốc gia thành viên đã hoạt động về giáo dục đại dương, như: Brazil, Canada, Costa Rica, Kenya, Bồ Đào Nha và Thụy Điển.

Các kết quả đạt được của các quốc gia này đã được UNESCO nêu dưới dạng các nghiên cứu điển hình, cũng như các cơ hội và thách thức gặp phải khi tìm cách đưa kiến thức về đại dương một cách có cấu trúc vào chương trình giảng dạy.

Kỹ năng và kiến thức truyền thống

UNESCO nhấn mạnh: “Giáo dục về đại dương không chỉ liên quan đến việc truyền tải kiến thức khoa học và nhận thức về các vấn đề đương đại, nó cũng nên thúc đẩy các kỹ năng và kiến thức truyền thống, chẳng hạn như những kỹ năng và kiến thức được bảo vệ bởi Công ước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, như quảng bá kỹ thuật đánh bắt cá của tổ tiên”.

Bộ công cụ mới dành cho các quốc gia thành viên và các khu vực để điều chỉnh lý thuyết cho phù hợp với thực tiễn, tình huống và nhu cầu cụ thể của họ. UNESCO sẽ giám sát việc thực hiện mục tiêu này của 193 quốc gia thành viên, với báo cáo tiến độ đầu tiên được đưa ra tại COP27, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022 tại Ai Cập.

image1170x530cropped-44-.jpg

Biển lặng và trong xanh ở Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Unsplash / Hiroko Yoshii

UNESCO đang dẫn đầu hoạt động Thập kỷ khoa học đại dương của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững (2021-2030). Đồng thời, UNESCO đã phát động một chiến dịch nhằm trao quyền cho các công dân có liên quan tham gia vào phong trào Thế hệ Đại dương toàn cầu. Chiến dịch này sẽ sử dụng cách kể chuyện biến đổi để mang lại nhiều kiến thức hơn cho công dân và thúc đẩy hành động để khôi phục, bảo vệ và sống tốt hơn với đại dương.

Cuối năm 2022, Bồ Đào Nha sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc. Hội nghị sẽ tìm cách thúc đẩy các giải pháp đổi mới dựa trên khoa học cần thiết nhằm bắt đầu một chương mới của hành động đại dương toàn cầu.

Mai Đan