Hành động vì một môi trường trong lành
Môi trường - Ngày đăng : 10:11, 10/02/2022
Mở đường cho kỷ nguyên phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường
Năm 2022 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức đi vào hiệu lực. Luật có nhiều quy định mới như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam… Với nhiều nội dung đột phá, Luật Bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ mở đường cho kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường.
Theo các chuyên gia đánh giá, Luật mới thể hiện sự đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ. Đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm đầu mối vấn đề quản lý chất thải. Với việc “quy về một mối”, Bộ TN&MT sẽ có “sức mạnh” lớn hơn, từ đó tiếp tục kiện toàn chính sách, xây dựng lộ trình hành động phù hợp cho từng giai đoạn. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng, xác định các vấn đề bất cập về chính sách và xây dựng các quy định mới.
Đặc biệt, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được đưa vào Luật. Nhà sản xuất phải thực hiện 2 trách nhiệm gồm tái chế chất thải và xử lý chất thải. Trước khi Luật có hiệu lực thi hành, đây là quy định gây tranh cãi nhiều nhất. Điều này là dễ hiểu bởi đây là lần đầu tiên, Luật chế định vấn đề này. Tuy nhiên, đây cũng là quy định tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về phát triển pin năng lượng mặt trời cũng như vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh cho rằng, EPR như là viên gạch đầu tiên cho ngành tái chế hiện đại, viên gạch đầu tiên thôi nhưng nếu không có thì chẳng bao giờ dựng nổi ngôi nhà. Có thể nói, từ giờ, ngành tái chế đã tìm được con đường để đi.
Khởi đầu cho kinh tế tuần hoàn
Cụm từ “kinh tế tuần hoàn”, “chuyển đổi xanh” được nhắc đến nhiều trên truyền thông dịp cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhất là sau khi những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được lan tỏa mạnh mẽ.
Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, BĐKH, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, chúng ta đã luật hóa nhiều quy định mới. Đó là quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất (EPR) trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Một vấn đề rất cụ thể nhưng quyết định việc phát triển kinh tế tuần hoàn là việc xả rác, phân loại rác đã được quy định rất kỹ lưỡng. Đó là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, áp dụng thu phí rác thải theo khối lượng và phân loại rác thải bắt buộc tại hộ gia đình. Bộ TN&MT đề nghị chính quyền các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho thực hiện các công cụ này, thời hạn là năm 2024. Những cơ sở hạ tầng cần chuẩn bị bao gồm xe thu gom rác, địa điểm thu gom rác và cơ sở xử lý, tái chế chất thải.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Hiện nay môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm vì ý thức của một số người dân còn chưa tốt, vẫn còn đó nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm…
Để giải quyết các vấn đề môi trường đang được nhân dân đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 3 Chỉ thị (Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT- về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí), trong đó đã phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai ngay.
Vì một tương lai tươi đẹp, trong sạch, lành mạnh mỗi chúng ta hãy nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể như vứt rác đúng nơi quy định, nói không với xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh, đặc biệt là những nơi công cộng như công viên, bệnh viện, trường học, nơi công sở, khu du lịch, lễ hội,... Giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em về bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống và học tập. Giữ gìn vệ sinh chung, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, những cống rãnh chảy phải có nắp đậy, không xả nước thải, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra những ao, hồ không có rãnh thoát. Mỗi gia đình cần có một thùng đựng rác có nắp đậy riêng và thu gom rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định. Trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng túi nilon; tận dụng năng lượng mặt trời để sử dụng…
Các địa phương cần đề cao ý thức trách nhiệm khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên cơ sở xem xét hài hòa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia, mời đội ngũ chuyên gia giỏi để tư vấn trong quá trình thẩm định, khắc phục tình trạng cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực, dẫn đến khá nhiều dự án không có tính khả thi; tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường…
Môi trường chỉ thực sự được bảo vệ khi có sự chung tay của toàn xã hội. Hãy đặt những viên gạch đầu tiên, xây đắp nền móng để hướng đến tương lai một Việt Nam xanh - sạch.