Long An quản lý tài nguyên nước: Đồng bộ các giải pháp
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:10, 10/02/2022
Nhiều tác động đến tài nguyên nước
Những năm gần đây, người dân sống gần khu vực kênh An Hạ, kênh Thầy Cai, kênh Ranh, kênh T1… trên địa bàn huyện Đức Hòa (Long An) thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối vì tình trạng ô nhiễm ở các dòng kênh này. Có những điểm kênh, rạch nước đen ngòm, nổi váng dầu, có đoạn đặc lại bốc mùi hôi, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương.
Trong khi đó, ở các huyện vùng hạ Long An như Cần Đước, Cần Giuộc, nhiều hộ dân phải chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước nơi đây chủ yếu lấy từ các giếng khoan, trạm cấp nước tập trung hay nguồn nước mưa dự trữ không đảm bảo tiêu chuẩn. Hằng năm, cứ vào mùa khô, trên các sông, kênh, rạch nguồn nước thường bị nhiễm mặn, thậm chí có nơi bị ô nhiễm nặng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Tùng Chinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Tại tỉnh, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, hạn chế; nguồn nước mặt cũng giảm mạnh, một số nơi bị “mặn hóa” bởi tình trạng hạn, xâm nhập mặn. Việc thiếu nước sinh hoạt, sản xuất xảy ra tại một số địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt còn khá phổ biến tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Long An đang phát triển mạnh. Môi trường tiếp nhận nước thải công nghiệp là hệ thống sông, kênh, rạch và cũng là nguồn cung cấp nguồn nước phục nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu và nhu cầu sinh hoạt của một số khu vực dân cư sống ven sông.
Trong khi đó, việc xây dựng hạ tầng hiện chưa hoàn chỉnh, nguồn tiếp nhận chịu áp lực rất lớn về vấn đề nước thải, thành phần các chất ô nhiễm ngày càng phức tạp. Hơn nữa, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp cũng gây ra không ít hệ lụy đối với nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Long An.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ
Theo ông Phạm Tùng Chinh, để bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh Long An đã thực hiện Dự án phân vùng xả nước thải vào các sông chính trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá về hiện trạng tài nguyên chất lượng nguồn nước mặt và đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng tài nguyên nước mặt cùng những nguy cơ tác động đến nguồn nước, đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp.
Đồng thời, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định về phê duyệt Danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và các Bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất; cùng với đó là ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước dưới đất được thực hiện dựa trên Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Không tham mưu cấp phép các hồ sơ đối với khu vực đã có đường ống cấp nước tập trung có khả năng cung cấp nước ổn định về số lượng, chất lượng cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt để phục vụ quá trình sản xuất, hạn chế khai thác nước ngầm.
Theo Sở TN&MT Long An, tỉnh đã và đang triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp có đường ống cấp nước mặt trên địa bàn các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An; đến nay đã đóng bít 352 giếng/404 giếng của 17 khu, cụm công nghiệp. Sở TN&MT Long An cũng ký hợp đồng tư vấn lập đề cương để điều chỉnh, bổ sung vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu chung là hoàn thiện cơ sở hạ tầng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, từng bước xóa bỏ các trạm cấp nước có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém, tiến tới thực hiện chủ trương cấp nước an toàn, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng đã chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu dân cư phải xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi thông tin với các địa phương lân cận về tình hình thực trạng chất lượng nguồn nước ở vùng giáp ranh, thông tin về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên các tuyến kênh rạch tiếp giáp với các địa phương.
Ông Phạm Tùng Chinh cho rằng, thời gian tới, Sở TN&MT Long An sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát và yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác nước phải lập thủ tục cấp giấy phép khai thác sử dụng theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, quản lý chặt chẽ những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời tiếp tục xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới đất; triển khai, thực hiện dự án hệ thống giám sát về tài nguyên nước và lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước.