Bất động sản du lịch 2022: Những kỳ vọng phục hồi

Bất động sản - Ngày đăng : 11:13, 08/02/2022

Đánh giá toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho biết, có rất nhiều yếu tố hứa hẹn sự tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2022, đặc biệt là phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng.

“Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”

Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng liên tiếp bởi các đợt dịch Covid-19, thị trường BĐS đã được “thử lửa” trong những điều kiện khắc nghiệt nhất mà các giai đoạn khó khăn trước đây chưa từng trải qua.

Năm 2021 đã khép lại với sự kỳ vọng tốt hơn cho năm 2022, khi mà chỉ sau 3 tháng chính thức mở cửa trở lại sau quy định giãn cách xã hội kéo dài, các hoạt động kinh tế đang bật dậy nhanh chóng với mức độ hồi phục tốt. Tuy chưa đồng đều ở các ngành, nghề kinh tế khác nhau, chỉ riêng trong lĩnh vực BĐS, mức độ hồi phục ghi nhận đạt từ 70% trở lên tùy phân khúc và khu vực, vùng, miền. Tâm lý thị trường vào thời điểm cuối năm khá tốt, giao dịch sôi động, nhộn nhịp hơn trong điều kiện giá vẫn tiếp tục gia tăng và nguồn cung vẫn còn khan hiếm.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.

img-5262.jpg

BĐS du lịch nghỉ dưỡng được đánh giá là đã chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

Thêm vào đó, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cùng với hành lang pháp lý về BĐS đã và đang được tháo gỡ như Nghị định 148/CP/2020 về đất đai, Nghị định 69/CP/2021 về cải tạo chung cư cũ, Luật Đất đai dự kiến sửa đổi năm 2022, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch… là những yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường BĐS khởi sắc trong tương lai.

Chính phủ đã công bố quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2022 với tỷ lệ tăng trưởng GDP là 6 - 6,5% để bù lại giai đoạn tăng trưởng chậm do tác động của dịch bệnh. Các gói hỗ trợ kinh tế sẽ góp phần gia tăng nguồn lực phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn. Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng.

Kỳ vọng nhiều khởi sắc mạnh mẽ

Trong các phân khúc, BĐS du lịch nghỉ dưỡng được đánh giá là đã chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao BĐS du lịch Việt Nam với tỷ suất lợi nhuận lên tới 35%.

Trong năm 2020 và 2021, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng được coi là trầm lắng, thậm chí gần như “ngủ đông”. Lượng tiêu thụ rất thấp. Điển hình, năm 2020, tổng lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới của loại hình condotel là 342/525 căn và loại hình biệt thự biển là 239/541 căn (tính các dự án từ Huế trở vào đến Phú Quốc - Kiên Giang); trong khi con số tương ứng vào năm 2019 là 7.932/10.290 căn condotel và 2.008/2.660 căn biệt thự biển.

Ngành du lịch phát triển chính là nền tảng quan trọng kéo theo sự phát triển của BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Thực tế, du lịch Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc, là tiền đề để BĐS du lịch khởi sắc giai đoạn tới. Tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” diễn ra tại Nghệ An vừa qua cho thấy, từ giữa tháng 11 đến tháng 12/2021, du lịch Việt Nam thí điểm đón 3.500 khách du lịch quốc tế, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn. Ngành du lịch đang kỳ vọng năm 2022 sẽ đón 5 triệu khách quốc tế từ "hộ chiếu vắc-xin".

Nhiều địa phương tiêu biểu cũng đã có những chính sách và cách làm linh hoạt để tái khởi động hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.

Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch diễn ra dài ngày vừa qua, nhiều điểm du lịch đón lượng khách tăng đột biến, trong đó, phố cổ Hội An thu hút tới gần 1.000 lượt khách tham quan. Những tín hiệu tích cực về lượng du khách cùng việc Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 là tiền đề để ngành du lịch Hội An đột phá trong năm nay.

Đứng trước thời cơ mới, du lịch Hội An hướng tới 2 mục tiêu chính: Tập trung phát triển du lịch xanh bền vững; bổ sung các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Những định hướng cụ thể này sẽ là tiền đề đưa Hội An "cán mốc" 12 triệu lượt khách vào năm 2025, với kỳ vọng tổng thu từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Định, mục tiêu đến năm 2025, thành phố Quy Nhơn sẽ đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế biển, phát triển dịch vụ, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Chỉ tiêu cụ thể là đón trên 7,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,8 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Theo đó, Bình Định đã nỗ lực xây dựng các kế hoạch, chiến lược để tiếp cận các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong… Từ đó góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa Quy Nhơn vươn tầm châu Á, khẳng định tầm vóc của phố biển Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Không chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, BĐS nghỉ dưỡng năm 2022 được dự báo sẽ phụ thuộc vào những địa điểm mới, có tiềm năng về du lịch và BĐS, đặc biệt là những khu vực chưa được chú ý nhiều nhưng lại đang nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, chính sách đầu tư cũng như tổng quy hoạch của địa phương.

Thùy Linh - Hà Thư