Bình Định: Trùng tu, tôn tạo khu di tích thành Hoàng Đế

Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 06/02/2022

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa có chuyến khảo sát một số điểm trong khu di tích quốc gia thành Hoàng Đế để sớm triển khai thực hiện các bước đầu tư, xây dựng trùng tu, tôn tạo khu di tích thành Hoàng Đế giai đoạn 2 tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn.

Thành Hoàng Đế trong lịch sử từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa với tên gọi thành Đồ Bàn. Dưới Vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc có tên gọi là Thành Hoàng Đế (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn).

dsc07735.jpg
   Du khách vào tham quan cổng thành Hoàng Đế 

Di tích thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc cho xây dựng năm 1776 trên cơ sở thành Đồ Bàn- kinh đô của Chămpa xưa và bị phá hủy vào đầu triều Nguyễn. Nơi đây từng đóng vai trò đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa, là kinh đô của Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp thắng lợi vẻ vang của phong trào nông dân Tây Sơn cũng như những năm tháng cuối cùng của triều Tây Sơn.

dsc07715.jpg
  Bên trong khuôn viên thành Hoàng Đế 

Là di tích mang tính kế thừa, thành Hoàng Đế đan xen nhiều lớp kiến trúc khác nhau, từ Vương triều Chămpa thế kỷ XI-XV, đến thời Tây Sơn trong những năm 1776- 1802 rồi đến nhà Nguyễn từ năm 1802. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia ngày 24/12/1982.

dsc07731.jpg
   Dấu tích kiến trúc xưa còn lưu giữ tại thành Hoàng Đế 

Từ năm 2004 - 2007, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định) phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ tại khu vực thành Hoàng Đế. Qua đó phát lộ những nền móng, dấu tích kiến trúc thời Tây Sơn như tường bao Tử Cấm Thành, nền móng điện Bát Giác, các thủy hồ, cung điện, hậu cung, Đàn Nam Giao, lăng mộ Võ Tánh, Đền Song Trung là những kiến trúc thời Nguyễn đã qua nhiều lần tu sửa.

dsc07765.jpg
  Phía bên trong cung điện thành Hoàng Đế 

Ngày 23/6/2021, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực lân cận các di tích gốc thành Hoàng Đế. Theo đó, quy mô lập quy hoạch rộng 480,5 ha, trong đó, khu vực đất có di tích gốc rộng 85,6 ha được thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

ac2ccabcfbd937876ec8.jpg
  Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đi khảo sát di tích thành Hoàng Đế 

Qua khảo sát Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, thành Hoàng Đế có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng của tỉnh Bình Định, do đó cần phải tập trung bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử gắn với phục vụ phát triển du lịch tỉnh. Việc đầu tư, xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu di tích thành Hoàng Đế khi tiến hành cần phải dựa trên những cứ liệu có cơ sở khoa học vững chắc, vừa bảo vệ, giữ gìn tối đa được yếu tố gốc; vừa nâng cao tính bền vững, sự tồn tại lâu dài của di tích.

dsc07775.jpg
   Du khách tham quan khuôn viên thành Hoàng Đế 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thị xã An Nhơn chậm nhất đến tháng 3/2022 phải hoàn thành việc cắm mốc toàn bộ khu di tích thành Hoàng Đế.

dsc07790.jpg
  Vẻ đẹp kiến trúc xưa trong thành Hoàng Đế 

Cùng đó, trong năm 2022, khởi công xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc; nghiên cứu thiết kế xây dựng công trình Đàn Nam Giao theo quy hoạch, đồng thời mở rộng, thảm nhựa đường lên di tích này.

dsc07795.jpg
   Dấu tích còn lại tại thành Hoàng Đế

Bên cạnh đó, lập phương án di dời toàn bộ các hộ dân đang sống trong khu vực Thành Nội. Về lâu dài, các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp trong việc thực hiện thêm các hạng mục đầu tư từng bước tôn tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, quy hoạch trồng cây xanh, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trong khu vực di tích để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.

dsc07807.jpg
  Lối vào lăng mộ Võ Tánh 
dsc07817.jpg
  Lăng mộ Võ Tánh 
dsc07825.jpg
 Di tích cấp quốc gia thành Hoàng Đế 

Mỹ Bình