Phía trước là ngày xanh

Môi trường - Ngày đăng : 11:52, 03/02/2022

(TN&MT) - Trong giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khốc liệt, những người công nhân vệ sinh môi trường của TP.HCM đã không ngại nguy hiểm, hàng ngày thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn hàng trăm tấn rác thải y tế nguy hại để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và giữ gìn thành phố luôn xanh - sạch - đẹp.

Mình không làm thì ai làm?

“3h30 sáng thức dậy, ăn vội tô mỳ gói, 4h sáng, 3 anh em trong kíp xe nổ máy tới điểm thu gom rác thải y tế. 8h tối trở về văn phòng công ty, tắm rửa, ăn bữa tối khi đã gần 9h khuya rồi tranh thủ ngủ để lấy sức cho ngày làm việc hôm sau” - Anh Võ Vương Vinh, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Tổ thu gom rác thải y tế - Chi nhánh Dịch vụ môi trường (Công ty Môi trường đô thị TP.HCM) nhớ lại những tháng ngày cao điểm cùng thành phố căng mình chống dịch Covid-19.

Từ cuối tháng 5/2021, đợt dịch Covid-19 thứ 4 bắt đầu lan rộng tại TP.HCM và bùng phát mạnh, kéo theo số lượng rác thải y tế liên quan đến Covid-19 không ngừng tăng lên từng ngày.

“Hơn ai hết, chúng tôi hiểu ngoài lực lượng y tế tuyến đầu thì chúng tôi là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất bởi phải tiếp xúc những đồ dùng mà bệnh nhân Covid-19 hoặc người nghi nhiễm thải ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã động viên nhau, không được chùn bước, bởi đây là công việc của mình, mình không làm thì ai làm?” - anh Vinh cho hay.

Theo anh Vinh, để đảm bảo an toàn, các công nhân vệ sinh môi trường phải mặc đồ bảo hộ liên tục trong 16 tiếng làm việc và phải thường xuyên xịt khuẩn bằng dung dịch cloraminB. Làm việc liên tục dưới cái nóng 34 - 35 độ khiến người lúc nào cũng ướt nhẹp, ngứa ngáy, đa số anh em mắc bệnh ngoài da. Đặc biệt, có những giây phút ám ảnh đến giờ họ vẫn không thể quên. “Đó là những lần thu gom rác thải y tế tại Bệnh viện Trưng Vương, tận mắt chứng kiến hậu quả khốc liệt, nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của chúng tôi. Tuy nhiên, anh em chúng tôi đã trấn tĩnh, nắm tay nhau, động viên nhau vượt qua nỗi sợ để hoàn thành công việc” - anh Vinh chia sẻ.

Không chỉ vậy, nhiều công nhân trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế còn phải “đối mặt” với áp lực không nhỏ từ gia đình. Nhất là khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, con số tử vong ngày một tăng, những người thân của họ rất lo lắng và khuyên họ nên nghỉ việc; thậm chí, có những người vợ vì quá lo lắng và thương chồng nên đã gây sức ép, bắt họ phải lựa chọn hoặc vợ, con, gia đình, hoặc chọn nghề. Những người công nhân vệ sinh môi trường vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải động viên, trấn an vợ con.

Rồi điều gì đến đã đến, những người công nhân vệ sinh môi trường đã nhiễm Covid-19. Rất may mắn, vì đã được ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin sớm nên bệnh tình của họ không quá nguy hiểm. Sau 15 ngày điều trị tại bệnh viện và có kết quả âm tính, họ được về cách ly tại Chi nhánh công ty. Và khi sức khỏe ổn định, an toàn cho những người chung quanh, họ lại tiếp tục công việc của mình.

Ông Hà Trần Hiền Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ môi trường, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, đến nay 30/60 công nhân thuộc Đội thu gom, vận chuyển rác y tế của Chi nhánh đã bị nhiễm Covid-19. Có thời điểm cùng lúc 12 công nhân bị nhiễm. Vì áp lực công việc, nhiều công nhân khi được công bố khỏi bệnh, lẽ ra phải nghỉ ngơi trong vòng 15 ngày nhưng chỉ 1 - 2 ngày là phải lên đường làm nhiệm vụ.

anh-2-thu-gom-rac-thai-y-te.jpg
Công nhân vệ sinh môi trường của TP.HCM đang thu gom rác thải y tế tại một khu cách ly tập trung.

“Có lần, trong lúc chúng tôi dừng lại kiểm tra xe, một bác gái đã chạy đi mua mấy chai nước mời chúng tôi uống và nói lời cảm ơn. Chúng tôi rất cảm động vì công việc của mình đã được ghi nhận và cảm thấy hãnh diện vì công việc mình đã lựa chọn. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn công việc của người công nhân vệ sinh môi trường”.

Anh Võ Vương Vinh - Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM

Không bị động trong mọi tình huống

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một đợt dịch bệnh kinh khủng như vậy, đương nhiên mình cũng có sự bất ngờ nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để thực hiện việc điều hành, tham mưu, xử lý chức năng nhiệm vụ. Trong đó, vai trò của ngành TN&MT là làm sao thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; giữ gìn, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ cán bộ của ngành”.

Theo người đứng đầu ngành TN&MT TP.HCM, khi dịch bệnh bùng phát, nhiệm vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại từ các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đã đặt lên vai ngành TN&MT một áp lực rất lớn. Khối lượng rác thải y tế liên quan đến Covid-19 ngày một gia tăng, có thời điểm trên 100 tấn một ngày. Ngành TN&MT phải huy động tất cả các đơn vị có chức năng xử lý rác nguy hại trên địa cùng tham gia, với số lượng công nhân bình quân hàng ngày lên tới 700 người và trên 100 xe vận chuyển, thu gom; đồng thời, các lò đốt chất thải y tế nguy hại cũng được yêu cầu hoạt động tối đa công suất.

Nhờ vậy, việc thu gom, xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế liên quan đến Covid-19 đã được xử lý đảm bảo an toàn, không có tình trạng rác thải y tế ùn ứ tại các cơ sở điều trị bệnh nhân, quá trình xử lý không làm lây lan dịch bệnh ra bên ngoài môi trường. Song song đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt thông thường vẫn luôn được đảm bảo theo quy định. Vì vậy, trong những tháng dịch bệnh căng thẳng nhưng chất lượng môi trường thành phố vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, gần 300 công nhân vệ sinh môi trường đã bị lây nhiễm Covid-19, may mắn không có trường hợp nào tử vong. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách, chăm lo đời sống đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người trực tiếp thu gom, xử lý rác thải y tế, bởi họ thực sự là những “chiến sĩ môi trường” thầm lặng và xứng đáng được tôn vinh.

Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, sau giai đoạn này, bài học rút ra đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác quản lý chất thải y tế nguy hại nói riêng đối với một siêu đô thị như TP.HCM chính là sự chủ động trong mọi tình huống. Đồng thời, từ thực tiễn công việc, đã rút ra và xây dựng được một quy chế phối hợp giữa Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị xử lý chất thải. Đây chính là những cơ sở để xây dựng TP.HCM luôn xanh - sạch - đẹp trong trạng thái bình thường mới.

“Đại dịch Covid-19 đã giúp nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm và khả năng thích ứng của người lãnh đạo trước các yêu cầu mới, nhất là trong điều kiện thường xảy ra thiên tai, dịch bệnh như hiện nay”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Nguyễn Quỳnh