“Tôi tin rằng Việt Nam có thể thực hiện được các cam kết tại COP26”

Môi trường - Ngày đăng : 11:51, 03/02/2022

(TN&MT) - Đây là chia sẻ của ông David McNaugh - Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Anh khi nhìn lại những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trên hành trình chống biến đổi khí hậu.
profilepic-s2.png
Ông David McNaugh - Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Anh chia sẻ với Phóng viên Báo TN&MT

Ông David McNaugh khẳng định, trong thời gian tới, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại COP26; đồng thời bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của mối quan hệ song phương Anh - Việt trong tương lai.

*PV: Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên, môi trường? Những dấu ấn, kết quả nổi bật nào thể hiện rõ mối quan hệ giữa hai bên trong lĩnh vực này, thưa ông?

Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng Đại sứ quán Anh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2021 – một năm hành động vì khí hậu vô cùng quan trọng. Hai bên đã có cơ hội cùng làm việc để chuẩn bị cho Hội nghị COP26 tại Glasgow, và sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác mới trong năm 2022 và xa hơn nữa. Mối quan hệ hợp tác tổng thể giữa Việt Nam và Vương quốc Anh cũng vậy. Tôi tin rằng mối quan hệ song phương hai nước hiện tại là vô cùng tích cực. Hai bên đã là đối tác chiến lược hơn 10 năm và đã cùng nhau phát triển rất nhiều trong suốt thời gian đó. Một số điểm nổi bật gần đây bao gồm việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do song phương, và việc Vương quốc Anh trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Việt Nam. Một lĩnh vực hợp tác khác đã phát triển nhanh chóng thời gian vừa rồi là y tế, đặc biệt khi cả hai quốc gia đều tập trung ứng phó với đại dịch trên toàn cầu. Chúng tôi đã có thể giúp Việt Nam tăng tỷ lệ tiêm chủng thông qua viện trợ vắc-xin song phương và thông qua Cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc, bên cạnh đó là hỗ trợ thiết bị y tế và các phương pháp điều trị cho bệnh nhân COVID tại Việt Nam.

Về biến đổi khí hậu, trong vài năm trở lại đây đã có nhiều hoạt động hợp tác giữa hai bên. Ví dụ, để hỗ trợ các cộng đồng địa phương dễ bị tổn thương bởi các hình thái thời tiết khó lường, Vương quốc Anh đang phối hợp với Việt Nam xây dựng nhà chống lũ ở miền Trung. Chương trình này được tài trợ thông qua Quỹ Khí hậu Xanh, với Vương quốc Anh là nhà tài trợ song phương lớn nhất. Quỹ cũng đang hỗ trợ nông dân ở Tây Nguyên để thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, ứng phó với các điều kiện thời tiết khác nhau.

Đặc biệt, năm 2021 đã là năm thực sự quan trọng đối với hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa hai nước. Vào tháng 5/2021, Chủ tịch COP26 Ông Alok Sharma đã đến thăm Việt Nam và gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Hồng Diên. Tuyên bố chung sau chuyến thăm đã cho thấy Chủ tịch COP26 đánh giá cao vai trò của Việt Nam và nêu bật cam kết của hai bên trong việc tăng cường hợp tác về khí hậu.

bo-truong-tiep-chu-tich-cop26.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Alok Kumar Sharma - Chủ tịch COP26, tháng 5/2021

Sau đó, tôi rất vui khi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam được công bố tại COP26. Việt Nam cũng tham gia các tuyên bố và sáng kiến ​​quan trọng khác của COP26 về bảo vệ rừng, chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch, hỗ trợ thích ứng cho cộng đồng địa phương, và giảm phát thải khí mêtan.

Sau Hội nghị COP26, chúng ta bước vào một giai đoạn mới: giai đoạn thực hiện. Vào ngày 7/12/2021, Đại sứ quán Anh đã đồng chủ trì với Bộ TN&MT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc một hội thảo để chia sẻ kết quả của COP26 và thảo luận về các bước tiếp theo để thực hiện các cam kết mới của Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi được nghe Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các tuyên bố đã đưa ra tại Glasgow, đặc biệt bằng cách lồng ghép các cam kết đóng góp cho Thỏa thuận Paris vào các chính sách và chiến lược quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong thời gian tới, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu này.

Sau dịp Tết Nguyên Đán, ông Alok Sharma sẽ trở lại thăm Hà Nội với tư cách là Chủ tịch COP26 để thảo luận về những cơ hội hợp tác và triển vọng thu hút tài chính để hỗ trợ thực hiện các cam kết khí hậu mới.

*PV: Ông đánh giá như thế nào về những cam kết này của Việt Nam? Những mục tiêu mà Việt Nam đặt ra tại COP26 phải chăng là tham vọng lớn?

Mục tiêu mới này của Việt Nam là đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Mục tiêu này phản ánh một bước tiến rất mạnh mẽ và sẽ góp phần rất lớn vào việc giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay. Việt Nam cũng đã nhất trí ủng hộ một số sáng kiến và tuyên bố quan trọng khác của COP như đã nêu ở trên, củng cố hơn nữa cam kết của Việt Nam trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng Việt Nam có thể thực hiện các cam kết này, với tiềm năng vốn có cho năng lượng sạch và nền kinh tế năng động, thêm vào đó là các đề nghị tài chính đã có sẵn từ các đối tác quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp thu hút nguồn tài chính cho phát triển và tư nhân mà Việt Nam cần.

*PV: Vậy việc tăng cường hợp tác giữa hai nước sẽ được mở rộng, cụ thể hóa ra sao sau COP26? Ông có kỳ vọng gì về việc thúc đẩy sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới?

Hợp tác song phương giữa hai nước về tăng trưởng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ khá lâu. Và gần đây, vào tháng 3/2020, chúng tôi đã đồng chủ trì với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị cấp quốc gia lần thứ nhất trong khuôn khổ Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng của COP26 (ETC), đặt những bước đầu tiên cho nỗ lực chung nhằm giúp đất nước chuyển từ than sang năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, Báo cáo đánh giá và phân tích khoảng cách về các kịch bản giảm thiểu điện than hiện có tại Việt Nam đã được hoàn thành. Trong 5 năm tới, Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng của Việt Nam.

Đồng thời, Vương quốc Anh, hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Infraco Asia, đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng sạch với tài nguyên mặt trời và gió dồi dào. Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu thế giới về điện gió ngoài khơi. Chúng tôi muốn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam phát triển ngành này. Chúng tôi cũng vừa đảm nhận một vai trò mới. Trong khuôn khổ Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), chúng tôi đồng chủ trì một nhóm kỹ thuật hoạt động với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống lưới điện của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phối hợp với với Bộ Công Thương và các nhà tài trợ để hỗ trợ xử lý các khó khăn hiện tại trong phát triển lưới điện quốc gia, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang năng lượng tái tạo.

Về tài chính, Vương quốc Anh đã cam kết 110 triệu bảng Anh thông qua Quỹ Thúc đẩy Tài chính Xanh cho ASEAN (ACGF), hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông vận tải hoặc cơ sở hạ tầng đô thị xanh. Tại COP26, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thông báo rằng Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tư nhân (PIDG) do Vương quốc Anh hậu thuẫn cam kết đầu tư thêm 210 triệu bảng Anh cho các dự án xanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chương trình Hành động Khí hậu vì một Châu Á bền vững (CARA) với tổng kinh phí 274 triệu bảng Anh cũng đã được công bố tại COP26, trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia ưu tiên. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Liên minh Hành động Thích ứng do Vương quốc Anh chủ trì. Thông qua những cơ chế này, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó đóng góp vào tầm nhìn chung về xây dựng tương lai thích ứng với khí hậu toàn cầu.

Bên lề COP26, các công ty và tổ chức của Vương quốc Anh và Việt Nam đã ký kết các gói hợp đồng và thỏa thuận sâu rộng, với tổng trị giá lên đến hơn 1 tỷ bảng Anh, bao trùm một loạt các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó có các thỏa thuận liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo và cung cấp tài chính xanh, cả hai đều rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tôi rất lạc quan về triển vọng của mối quan hệ song phương Anh - Việt trong tương lai. Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương vào năm 2023. Tôi tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa trong 50 năm tới.

*PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tống Minh (thực hiện)