Đợi hoa Linh Ngân nở

Văn hóa - Ngày đăng : 21:47, 02/02/2022

(TN&MT) - Mỉm cười bên cỏ dại Đất đen nức mùi hương xạ giới

1

Lăng nói với tôi, Ni đừng mong cầu tìm được loài hoa Linh Ngân không muốn nở đó. Hãy thả lỏng trái tim mình hòa cùng núi này hồ này. Rồi không tìm sẽ khắc thấy.

Khi nói câu này, mặt Lăng mang vẻ một triết gia.

Chúng tôi đã đủ lớn để tránh nhìn vào mắt nhau.

Lăng học giỏi hơn tôi nên theo lên thành phố học. Tôi cứ nấn ná với lớp học bổ túc. Thôi đành loanh quanh để còn cùng cha đi hái lá thuốc trên núi, cùng cha thăm hạc con mới nở, cùng cha đưa khách du lịch vòng quanh cái hồ thăm thẳm mênh mang này. Mà thực ra tôi không nỡ bỏ cha ăn cơm một mình mỗi khi chiều buông xuống.

Tôi và Lăng, mỗi người đeo một giỏ nhựa có nắp đi khắp chân núi để nhặt rác thải. Những thứ rác còn đọng lại rất nhiều, mặc dù qua mấy đợt dịch, hầu như không có khách du lịch ghé thăm vùng hồ.

Chiếc thuyền máy của cha vẫn neo im lìm trên bến. Chúng tôi lên thuyền. Lăng nổ máy, thuyền trườn nhẹ trên mặt hồ. Tôi dùng cái cây nứa gắn móc khều những rác rưởi còn trôi lập lờ trên nước. Không lụt, nhưng nước không được trong. Phải chăng những loài thủy sinh cũng bị virut làm cho héo tàn?

Tôi hỏi Lăng điều mà tôi thấy thắc mắc quá về những tần số sóng.

“Lăng lên phố học, có ai bày cho biết cái tần số 3D, 4D, 5D là cái thứ gì không? Sao Ni không hiểu không thấu? Không lẽ Ni thực sự lạc hậu kém cỏi trong cái thời đại mà người ta nói sắp là không gian 5D rồi?”

Lăng không nói gì. Im lặng lâu lắm. Tôi cũng không sốt ruột. Thuyền đang đi vào gần bờ, nơi có rất nhiều rác thải là túi ni lông đang trôi lập lờ gần đám rêu. Tôi lấy sào nứa, gom khéo đám rác chảy theo một vệt dài rồi từ từ gom gọn vào. Lấy cây móc khều hết đám rác đó cho vào mấy cái tải trên thuyền. Rồi đám rác này sẽ được đưa lên bờ, đổ xuống cái hố mà chúng tôi đã đào sẵn, chôn sâu xuống đó. Chúng tôi chưa biết rồi sau này có ai đến lập một xưởng chế tạo rác hay không. Thôi đành tạm chôn chúng xuống. Cho dù trăm năm hay ngàn năm chúng mới bị phân hủy, thì cũng đành chôn xuống như vậy.

Lăng bảo:

“Để khi về nhà, Lăng sẽ gửi cho Ni xem đoạn giảng của thầy năng lượng về việc Ni vừa hỏi”.

“Ừa”.

“Ni biết không, Lăng đọc được tài liệu nói rằng, do con người hủy diệt sinh vật nhiều quá, đến độ loài vật phản kháng. Bản thân những loài vật không thể tự mình chống lại con người. Thân thể chúng yếu ớt, không đủ sức mạnh để cứu lấy sự sống. Chúng hóa thành thức ăn cho con người, rồi bị đào thải thành lớp lớp loài vi sinh. Con người đã tàn độc với cỏ cây muông thú, thì có nghĩa là đã tàn độc với chính mình. Sự trả thù của muôn loài là vô cùng khủng khiếp, không phương chống đỡ. Triệu triệu ức ức loài vi sinh đã hình thành, ẩn sâu trong lớp vỏ Trái Đất. Đến một lúc, một thời một khắc, chúng bật dậy như sóng thần ở khắp mọi nơi trên thế gian…”.

Thuyền thả máy, buông trôi trên mặt hồ. Lăng ngồi xuống bên cạnh tôi, chỉ cách nhau một đoạn bằng một gang tay. Tôi thẫn thờ duỗi đôi chân trên thuyền, ngẩng nhìn bầu trời xam xám, không có mưa cũng không có nắng. Nhưng cao xanh dường như trong hơn thủa trước. Cha tôi nói rằng tầng ô dôn đã được vá.

“Vậy còn nói chinh phục thiên nhiên được sao? Ni nghe ai ai cũng nói vậy. Nghe miết rồi cũng quen, cũng nghĩ phải bắt thiên nhiên cúi đầu”.

Tôi thốt nhiên bật ra những câu đó.

Lăng tắt máy, cho thuyền chòng chành từ từ.

“Đúng rồi Ni ạ. Không thể chinh phục thiên nhiên. Mà chúng ta hãy làm bạn với thiên nhiên. Chỉ làm bạn mới thấu được vạn vật. Mới nâng niu và gìn giữ được quả địa cầu này. Ni thấy Lăng nói có trúng không?”.

Tôi nhoẻn cười.

“Ni chỉ hiểu đơn giản là chúng ta đang đi dọn cho sạch bạn hồ bạn núi bạn đất bạn cây. Cho muôn loài được sống nơi chúng thích hợp. Là chúng ta đang cố gắng để được làm bạn với muôn loài, với thiên nhiên, phải không Lăng? Giống như Ni có các bạn hạc, có bạn trăng, có núi Phượng Tây và hồ Sương Giang này…”

Lăng rút cây sáo giấu trong ngực ra đưa lên môi:

Ngồi trên nước

Bay cùng nước

Ẩn sâu trong đá. Ẩn sâu vào cây...

Giang hồ cùng đá... (này) giang hồ cùng sương...

Chúng tôi đã ngồi trên nước, bay cùng nước. Chúng tôi đã ẩn sâu trong đá, ẩn sâu vào cây. Chúng tôi là những đứa trẻ được sinh ra lớn lên giữa bao biến cố muôn đoạn thác ghềnh của dải đất miền Trung nắng gió và sương mù dằng dặc. Những đứa trẻ hoặc mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Lớn lên cùng nước lũ. Lớn lên bằng măng non khế chát. Da thịt cứng cáp, nhưng trái tim luôn mềm lòng trước bao kỳ vĩ của thiên nhiên.

doi-muahoa-linh-ngan-no(1).jpg

2

Dân vùng hồ kháo nhau, có lẽ do dịch bệnh phải giãn cách, coi như được sống chậm, khói xăng và các loại khí thải được giảm nhiều, nên tầng ô dôn đã được vá. Vì vậy mà lụt không về.

Được năm lụt không về nhưng kinh tế kiệt quệ. Có lẽ con virut đáng sợ này là loài virut nguy hiểm nhất trong số những quái sinh nảy nở trên trái đất này. Không ai mong có chúng hiện diện để rồi khi loài người bị gục ngã, nhận ra cuộc sống chậm tốt đẹp biết bao nhiêu. Chỉ là khi chúng đã hiện diện, loài người mới chợt nhận ra nhiều điều.

Cha ngồi ngoài hiên nhà nhìn về núi Phượng Tây, rầu rầu buông câu:

“Không lẽ lại cảm ơn con virut đáng sợ đó?”.

Tôi khoe với cha:

“Mấy bạn con đang rủ nhau lập nhóm mở chiến dịch kêu gọi bà con không dùng túi ni lông khi đi chợ. Chúng ta đã hành động quá chậm so với loài quỷ ác đó”.

Cha khẽ gật đầu:

“Ừa, hẵng được một công chuyện đó đã. Tụi nít bây giỏi”.

Tôi cãi:

“Con đâu còn nít. Nữa, con đợi tụi thằng Nam, con Hường hết cách ly, chúng con sẽ xuống hồ hớt rác. Con và Lăng cũng đã hớt được nhiều. Nhưng chưa hết cha ơi. Lăng phải về trường rồi”.

Cha tôi lôi cây đàn nam cầm ra lau. Rồi người nâng đàn lên, da diết:

Ngô đồng ai khéo chế nên cầm,

Rõ thấy người xưa đã dụng tâm.

Ngàn dặm xa vời ngoài cảnh giới,

Non xanh nước biếc bạn tri âm (*)

Cũng có nhiều khi hoàng hôn khiến cha ngồi như tượng bên hè, nhìn xa hút. Tôi biết khi đó cha đang nhớ mạ vô chừng. Đến đàn cầm cũng không muốn nâng. Gương mặt cha như đá tạc vào ánh hoàng hôn dịu nhẹ.

Tôi cũng nhìn ngắm hoàng hôn, lòng khắc khoải khôn nguôi. Từng làn mây tím xa mờ. Bầu trời chuyển động như sắp buông tấm rèm châu muôn ngàn ngũ sắc của ánh đêm xuống thế gian.

Mạ tôi luôn hiện ra ở cuối chân trời tím thẫm đó. Mạ về rất sớm, không đợi ánh đêm bao bọc. Mạ nhìn cha con tôi da diết lắm. Năm ấy mạ tôi đã theo lụt mà đi xa mãi. Người đi không để lại chút gì trên thế gian ngoài bộ áo dài màu hồng đào cùng chiếc khăn lụa gói mấy cánh hoa Linh Ngân khô còn nguyên sắc trắng, thơm một thứ hương dịu nhẹ, phảng phất mùi hương xạ giới.

3

Lăng gửi cho tôi một đoạn trích dẫn của thầy năng lượng. Tôi không biết đó là ai, là thầy của những kiếp cõi nào hiện diện ở kiếp này? Nhưng quả thật, những điều thầy ghi chép đã cho tôi nhìn thấu đôi phần ý nghĩa của cuộc sinh tồn mà mình đang nhọc lòng và đam mê theo đuổi, dù sao tôi cũng chỉ là một cô bé mới chớm bước chân vào tuổi thiếu nữ.

Tôi ghi lại nguyên văn những gì mà Lăng đã chuyển cho tôi. Biết đâu trong cái cõi hỗn mang này, ai đó được hồi sinh và tỉnh giác.

“Chúng ta đã được sống trong thực tế chiều thứ ba. Trong thực tế chiều thứ ba, chúng ta có chiều dài, chiều rộng và chiều sâu, đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Cấu trúc chiều thứ ba là một thực tế cực kỳ hạn chế. Nó tạo nên ảo ảnh mà chúng ta đã bị giam hãm trong một khoảng thời gian dài đến mức chúng ta không thể đo lường được. Nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng như là một phần của sự thay đổi nhận thức.

Ví dụ về một người đang trải nghiệm cuộc sống từ nhận thức 3D: Họ sẽ xem những điều xảy ra với họ chỉ là sự trùng hợp và không đồng bộ (không phải là kết quả của một điều gì đó, không phải là nhân quả, được sắp xếp trước). Mọi người sẽ tin rằng suy nghĩ và cảm xúc của họ không ảnh hưởng gì đến thực tế của cuộc đời họ. Sẽ trải nghiệm cuộc sống như hai mặt của một vấn đề, rằng mọi thứ là tốt - xấu, đúng - sai… Họ sẽ tin rằng cuộc sống là một cuộc cạnh tranh, không có sự kết nối trong mọi vật, mọi việc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Thực tế chiều thứ tư là 4D: Einstein đã nói về chiều thứ tư là trạng thái tồn tại thời gian, nhưng ông cũng nói rằng thời gian là một ảo ảnh. Khi chúng ta trải nghiệm thực tế của mình thông qua năm giác quan, chúng ta thực sự đang ở trong cái bẫy mang tên thời gian, tạo ra ảo ảnh ở ngay đây, đó là NGAY BÂY GIỜ, một quá khứ và một tương lai. Chiều thứ tư chứa năng lượng cõi trung giới và nơi bạn đi trong hành trình du hành thể vía.

Ví dụ về một người đang trải nghiệm cuộc sống từ ý thức 4D: Họ sẽ nhận ra rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta làm thay đổi thực tế. Cũng sẽ hiểu sự đồng bộ, và rằng có nhiều thứ cho cuộc sống để suy nghĩ và học hỏi hơn cho sự tiến hóa. Cá nhân tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn đối với cuộc sống và nhận thức thế giới thông qua sáu giác quan, giác quan thứ sáu là trực giác của họ bắt đầu phát triển, lớn mạnh và rộng mở. Họ sẽ đặt tầm quan trọng vào thiền định, chế độ ăn uống, hướng đến lối sống lành mạnh và có khát vọng mạnh mẽ để tìm mục đích, đam mê và tìm ra cách để thực hiện ước mơ của mình.

Thực tế chiều thứ năm là thể 5D: Trong chiều thứ năm, là trường thống nhất, mọi thứ đều được kết nối. Ở chiều thứ năm, chúng ta không phải là những cơ thể này, mà là nguồn lực sống nguyên thủy, là nhận thức, đang chảy qua những cơ thể này. Điều này thay đổi tất cả mọi thứ! Chúng ta sẽ không còn bị giới hạn để trải nghiệm thực tế chỉ qua năm giác quan của mình, vì vậy cái bẫy mang tên thời gian sẽ không còn tồn tại.

Ví dụ về một người đang trải nghiệm cuộc sống từ nhận thức 5D: Họ sẽ hiểu rằng mọi trải nghiệm đều có ý nghĩa và mọi thứ xung quanh cuộc đời họ đều có thông điệp cao hơn. Sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta thực sự là một, và tất cả mọi người và mọi thứ trong vũ trụ đều được kết nối. Sẽ cảm thấy tràn ngập những cảm xúc từ bi, tình yêu và niềm vui cho tất cả cuộc sống và hiểu rằng tất cả mọi người đang thực sự trên hành trình của riêng mình. Họ sẽ hiểu rằng không có tính hai mặt, không có mặt tốt và mặt xấu, không có cạnh tranh và không có sự phán xét…”.(**)

“Ni ơi, chúng ta có gì để làm quà cho thiên nhiên?”.

Tin nhắn của Lăng bay xuyên qua không gian thời gian, xuyên qua những định chấp, đến với tôi, một cô gái là bạn của bầy hạc, bạn của muôn loài muông thú trên núi Phượng Tây, muôn loài thủy sinh dưới lòng hồ Sương Giang.

4

Khi đó đã qua nửa ngày rồi mà nắng vẫn chưa lên. Đỉnh Phượng Tây xao xác những cánh hạc đêm qua tìm về trú ngụ.

Đứng dưới gốc điệp già ở con dốc gần chân núi, tôi chỉ nhìn thấy những cánh hạc trắng chấp chới nơi non cao. Rừng đang mùa ngủ đông. Những chiếc lá xanh cuộn mình trong hơi lạnh. Những chiếc lá đã già, liền không luyến tiếc rời khỏi thân cây để đậu xuống mặt đất mềm mại, làm thành lớp thảm thực vật màu mỡ nuôi sống đại ngàn.

Trên núi Phượng Tây có loài hoa Linh Ngân. Cánh trắng muốt, nhụy ánh vàng lung linh như giọt nước. Cha nói khi xưa mạ rất thích loài hoa này. Hoa hái về, đun cùng bồ kết, rồi gội. Tóc đã mượt lại thơm man mác. Vò hoa Linh Ngân với nước, nước sóng sánh như có muôn vàn hạt châu chảy mềm mại qua tay, lấy nước ấy rửa mặt, da thời trắng mịn. Nhưng Linh Ngân chỉ nở vào những mùa không có lụt về. Cũng không biết bao lâu lại nở hoa. Có lẽ Linh Ngân chỉ hiện ra với ai có đủ duyên.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy loài hoa Linh Ngân.

Tôi đi lên núi.

Theo lời cha kể, thì loài hoa này chỉ sống trên núi cao, nơi không bị bụi làm vẩn đục, nơi chỉ có gió và sương, nếu có mưa rơi xuống cũng là những giọt Nước Trời tưới cho Linh Ngân thêm hương. Những mùa lụt về, núi đồi lở lói, nước sũng cả đất trời, người ta không nhìn thấy Linh Ngân nở hoa. Mà khi ấy đâu ai nghĩ đến loài hoa hiếm hoi đó để tìm. Khi ấy còn mải lo cho cuộc sống trở lại bình thường.

Năm nay không có mùa lụt. Chỉ có mùa nắng và mùa mưa. Nhưng nắng vẫn còn non nớt trên những vòm lá. Có lẽ thế gian này còn thêm mùa dịch. Hồ Sương Giang sương giăng mù, đứng bên này không nhìn thấy vệt bờ bên kia. Hay bờ bên kia đã lùi xa ngái về phía chân trời?

Tôi quyết tìm bằng được hoa Linh Ngân.

Tôi đã mười sáu tuổi. Tôi thường mơ mạ về ôm tôi rất nhẹ. Mùi hương mơ hồ trong giấc ngủ thơm man mác. Có lẽ đó là hương thơm của loài hoa Linh Ngân mà cha còn giữ, những cánh Linh Ngân khô bọc trong tấm khăn lụa, đặt cùng bộ áo dài màu hồng đào của mạ.

Núi Phượng Tây thực ra là một quần thể đồi đá lô nhô, tiếp nối với dải Trường Sơn xa mờ. Dưới chân Phượng Tây là hồ Sương Giang mênh mông đón nước nguồn từ các lạch núi. Nước hồ bình thường trong vắt, đôi chỗ còn nhìn thấy đáy, đung đưa những đám rong rêu xanh; từng đàn cá bơi lội, với vẻ tự hào về miền quê hương của chúng. Khi mùa lụt về, nước từ trên trời đổ xuống tưới tắm Phượng Tây, nước từ mọi nguồn cứ thế đổ dồn vào hồ Sương Giang, dâng mặt hồ ngập đầy, đục ngầu. Rồi nước ấy trào theo các lạch dẫn ra phá biển, trào hết những đục đỏ hòa vào với nước biển.

Phượng Tây không phải là trái núi cao, mà chỉ là một trái núi sót. Đất trên núi khá phì nhiêu, lật lớp lá mục là đến lớp đất đen, dường như còn thơm mùi hương xạ. Nên các loài thú và chim muông về trú ngụ nhiều. Chiều chiều từng đàn chim bay về đậu trên những cành săng lẻ, thậm chí đậu cả trên những cây thông non đang lên. Đội trồng rừng đã phủ xanh tất cả những sườn núi xưa kia trơ khấc đá và các tầng vỉa địa chất. Nhiều loài cây được đánh dấu bảo vệ. Nên Phượng Tây còn có những đàn cò bay về đậu kín đặc cả sườn phía tây. Thi thoảng có một vài con khỉ, một vài con nhím hoặc sóc nhảy phắt ra lối mòn, nhìn khách một giây rồi phóc vào bụi cây biến mất dạng. Thi thoảng có một cây vả, quả chín lúc lỉu trên cành. Xứ này người ta hay cho những người phụ nữ mới sinh ăn vả luộc hoặc bỏ cùng chân giò ninh, sữa sẽ ra nhiều. Nên không ngạc nhiên khi cứ ở gần cây vả nào cũng có vài ba con khỉ thoắt ẩn thoắt hiện.

Giờ này hạc còn đang bay đi kiếm ăn. Đàn hạc trắng có bao nhiêu con, tôi không thể đếm cho đúng. Nhưng con đầu đàn và mấy con hay tháp tùng đầu đàn thì chúng là bạn của tôi. Nhớ năm ngoái nước lụt, hai cha con tôi phải chạy thuyền vòng quanh để giúp bà con chạy nước. Cứu được mấy con hạc suýt bị lũ cuốn trôi. Rồi sau hạc cứ quanh quẩn ngoài rặng tre ngay cổng nhà tôi. Tôi đem cá cơm một nắng ra mời chúng, chúng ăn ngon lành như giống loài sống trên cạn.

Đấy là những gì mà tôi có thể kể cho khách đến tham quan nơi này.

Tôi đã leo đến triền núi.

Tôi vẫn như nghe tiếng cánh hạc bay hướng ra hồ. Tiếng kêu nghe da diết vọng xuống từ không trung. Những cánh hạc trắng lấp lóa như cánh hoa Linh Ngân.

Chân tôi đạp trên những vách đá.

Một luồng khí trắng sáng ập vào lồng ngực. Cả người như bơi trong một không gian thanh tao huyền bí. Hơi thở không còn đập dồn, cảm thấy thư thái yên bình và choáng ngợp bởi sự yên bình.

Gió trên đỉnh cao thổi ào ạt. Nhưng là thứ gió của cao xanh. Mênh mang, cuồn cuộn như thác, mềm mại như thác. Những cánh hoa dại nhô ra trên những khe đá, cứ như nơi triền cao này chỉ có một mùa duy nhất là mùa xuân. Thi thoảng một con dúi nhô ra từ trong một hốc đá. Những cánh lá xanh uốn theo chiều gió. Non cao làm nên khúc nhạc của đá, âm âm và ảo mị.

Bất chợt tôi cảm thấy một thứ hương xạ giới thoang thoảng, mùi hương quen thuộc mà tôi kiếm tìm, mùi hương đã theo vào giấc ngủ trẻ thơ của tôi. Mùi hương chỉ có ở hoa Linh Ngân, loài hoa chỉ chịu nở khi bầu trời trong xanh, vầng dương rực rỡ chiếu rọi thế gian, muôn cánh bướm rập rờn. Và về đêm, những ngôi sao hồi sinh, xanh lung linh bất tận…

9/12/2021, Tinh Mộc Hãn Diêu Kỳ

(*)Bài thơ Cổ cầm Đình của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm

(**) Theo Mike Picone

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà