Rong chơi cùng Tết...

Văn hóa - Ngày đăng : 06:42, 02/02/2022

(TN&MT) - Chơi đào Tết là thú khiến nhiều người mê mẩn. Trong khi nhiều người cất công lên những núi cao giáp Lào và các tỉnh Tây Bắc để săn cho được cành đào đá cổ thụ đem về nhà mình, thậm chí với những mức giá không tưởng, thì bạn tôi năm nào cũng thế, cứ sau rằm tháng Chạp lại thả vào điện thoại của bạn bè câu quen thuộc: “Xếp lịch đi chơi đào nhé”.

Cuối năm đủ chuyện bận, nhưng chúng tôi vẫn thích đi, dù rằng chả giống ai.

Ở đâu có đào phai là chúng tôi đến. Hành trình bất chợt, chả kể được. Tất cả phụ thuộc vào cảm hứng của đôi chân. Cứ đi, có đào là sà vào, nhiều khi chỉ là vài ba cây đào phai bung cánh sớm trong vườn nhà ai đó mà chúng tôi đi qua.

Chơi chán, rồi lại lên xe. Tôi thường là người cuối cùng phải nói lời đả thông về sự làm phiền của cả hội với chủ đào.

“Có ai bảo là đi mua đào đâu nhỉ. Nhớ là chúng ta đi chơi đào thôi nhé”.

Cái sự rỗi hơi mà anh bạn tôi giải thích thực ra cũng không đến mức phí hoài. Khi đi chơi đào Tết, là lúc nhàn tản nhất để ngắm nhìn, suy tư và chiêm nghiệm.

Những chuyến xe công cán từng chở chúng ta đi vùn vụt qua những miền đất, con người nơi ấy, nhưng đọng lại là gì? Chúng ta đâu cảm hết được sự đáng sống nơi thôn dã. Bước vào những vườn đào là bước vào những mảnh hồn làng trong trẻo của cuộc sống lao động, để được lắng nghe đầy đủ, trung thực hơn về những thanh âm, hình hài. Chúng ta sẽ nhìn nhận cuộc sống lao động của người dân đầy đủ nhất vào lúc này bằng cái nhìn và sự cảm nhận nhân sinh hơn.

Đương nhiên rồi, bởi khi bận rộn, lo cho Tết, chính là lúc mà người ta không còn giữ được sự màu mè phấn sáp, để sống thật hơn với bản chất của mình. Mượn cớ chơi đào Tết, để đi qua những phố, những làng, qua những khuôn mặt, ta sẽ gần hơn, thật hơn và khắc họa được thêm những chân dung cuộc sống. Có thể xem đó như là một cách thu thập vốn sống cho nghề sáng tạo con chữ mà bạn tôi đặt ra.

**

Đến giờ tôi vẫn nhớ lần mình trở thành đô vật. Ấy là lần ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh ra những đô vật nổi tiếng, đúng ngày mùng Ba Tết.

Tôi vô tình ngang qua và bị tiếng trống hội vật thôi miên, chiếc xe cứ thế bò đến sới. Thấy trai làng ghi tên, tôi cũng cao hứng ghi và nghĩ sức trai của mình có thể ngay lập tức cướp được lá cờ lèo của hội vật, nhưng cuối cùng thì tôi đã “lấm lưng, trắng bụng”. Tôi dành được “phần thưởng” là những tiếng trống bại liên hồi. Thua nhưng có hứng. Tết những năm sau tôi vẫn có thói quen xếp cho mình cái lịch đến sới vật.

Ở huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương của xứ Thanh, nhiều xã mở sới vật, nhưng vật Hoằng Phong thì nổi tiếng hơn cả. Cứ có niềm vui là làng khai sới vật, cũng là dịp để người làng khoe sức, cố kết với nhau hơn. Bây giờ không còn tự phát, hội vật do xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức, đô vật tham gia và khách xem cũng nhiều hơn. Đó cũng là xu hướng chung ở nhiều sới vật trong tỉnh, thể hiện tinh thần thượng võ và yêu võ vật của người dân xứ Thanh.

83085452_2857352074327239_8181694742174629888_n.jpg
Hội vật cầu Thúy Lĩnh. Ảnh: Vũ Phong

Khi mà cuộc sống có quá nhiều lựa chọn, thì nhiều người có xu hướng trở lại với tết xưa. Nghĩa là Tết hướng về làng, chơi trò chơi của làng, ăn cỗ làng. Đó là lý do vì sao mấy năm nay trò chơi truyền thống ngày Tết được phục dựng ở nhiều nơi, nhiều người đi tập hát, tập múa tự nguyện để Tết về ra sân đình biểu diễn góp vui.

Lần đầu tiên lũ trẻ nhà tôi được tham dự hội nấu cơm thi giữa làng Thượng Bấc (xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn) và làng Trinh Hà (xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa) diễn ra ở sân Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao của tỉnh Thanh Hóa cách đây hơn chục năm, để sau đó Tết nào chúng cũng nằng nặc đòi đi xem.

Chiều lũ trẻ, có năm mới sáng mùng Ba Tết chưa đưa ông vải, cả nhà đã vào tận xã Hải Nhân để lũ trẻ được thỏa mãn.

Có thể không phải ai cũng hiểu hết được giá trị nghệ thuật cũng như tích trò, nhưng sự tham gia của họ vào những trò chơi dân gian này là tự nguyện, như một nhu cầu tự thân, vì thấy bổ ích. Mà thực ra nhu cầu giải trí của mỗi người cũng không hẳn phải cố gắng để vượt ra cái đích ấy. Điều làm mình vui, có hứng, là có giá trị. Tết là lúc mà nhiều người nhớ về quê, nơi mình sinh ra, thì hãy cứ tổ chức nhiều hơn những thứ mà người ở phố thấy thích, để kéo họ về với làng, thì đó là sự thành công lớn nhất của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở rồi.

Đó chính là lý giải cho việc vì sao từ khi ruộng vừa xuống mạ, nhiều nơi đã rậm rịch chuẩn bị cho Tết. Nhà Văn hóa làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa đã khiến tôi muốn lưu lại thật lâu. Ở đó, cụ già và con trẻ đều xúng xính trong áo, mũ vào vai rất tự nhiên. Người ôm đàn, giữ phách, thôn nữ lúng liếng đôi mắt trong chiếc áo tứ thân đến là mê.

Trong sự xốn xang đón xuân về ở nhiều làng quê xứ Thanh, cái gì cũng đáng đợi chờ. Dân làng chọn gốc đu, chọn luồng để bắc cầu phao từ rất sớm. Cả làng rồi lại rậm rịch trong tiếng trống hội, thanh niên tung tẩy trên đu cao, háo hức cho sự thành công trên bến ao làng để giành lấy một phần thưởng nho nhỏ nào đó.

Những làng quê ngày Tết có đủ cung bậc cảm xúc để Tết thêm xôm vui, khiến ai chả muốn trở về.

***

Và còn thứ gì cho Tết? Hôm rồi người trong họ báo tin đã chuẩn bị được mấy con lợn cám. Lợn nuôi bằng rau khoai, rau chuối, cám gạo, hệt như thời bao cấp. Cứ như cách giải thích, thì kỳ công như thế mới là lợn Tết. Lợn nuôi từ tiền Chạp họ năm trước còn thừa và sẽ mổ trước Tết để có thịt giã giò cúng tổ tiên, có lòng ngon để người trong họ ngồi với nhau ôn chuyện cũ trong ngày cuối năm.

Quê tôi không quá xa thành phố Thanh Hóa, nhưng vẫn giữ được những nét sinh hoạt theo kiểu văn hóa làng. Họ nào cũng thế, xu hướng chuẩn bị thực phẩm sạch cho Tết không chỉ là một cách tỏ bày thành kính với tiên tổ, mà cũng chính là một cách phòng vệ cho sức khỏe, để miếng ăn ngày Tết ngon hơn, an toàn hơn. Tôi tin là không chỉ tôi hào hứng, mà rất nhiều người.

Tết về quê có thịt lợn sạch người thân nuôi, mật mía tự nấu, nghĩa là sẽ có bánh, có giò, và nhiều món ngon từ thịt. Nhưng vui hơn là được quây quần đoàn viên trong mâm cỗ Tết, mà ở đó có những khuôn mặt thân quen, vì cuộc sống mà Tết mới được chạm lời. Còn là sau khi ăn cỗ Tết sẽ được sà vào những trò chơi một thời gắn bó. Còn gì hơn thế, những cái Tết của mùa xuân văn hóa.

Lam Vũ