Thơm thảo tình rừng
Tài nguyên - Ngày đăng : 06:41, 02/02/2022
Bảo vệ rừng để trả ơn
Vào những ngày giáp Tết, tiết trời Tây Nguyên se lạnh, mây mù che phủ cả mảng đồi, chúng tôi cùng anh Điểu Hạt - Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) di chuyển trên một chiếc xe máy, men theo những con đường mòn tự mở để đi tuần tra tại một số tiểu khu thuộc rừng cộng đồng.
Trao đổi với chúng tôi tại thời điểm đang nghỉ chân ở một lán trại đơn sơ cũng là điểm chốt của các cán bộ Ban Quản lý, anh Điểu Hạt cho biết, anh mới nhận công việc Trưởng ban từ năm 2017. Trước đó, anh cũng đã có nhiều năm hoạt động trong Ban và cũng là thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr. “Gia đình tôi đã có nhiều đời sinh sống trên vùng đất này, tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh rừng xanh bạt ngàn, ngày ngày cùng lũ trẻ khác đội mưa, nắng đi lấy măng, hái quả để ăn nên tôi rất hiểu và yêu vùng đất này. Sau khi, được tham gia vào Ban Quản lý rừng cộng đồng, tôi đã luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ và hỗ trợ cho các anh em mới vào.
Ngày trước, tôi cũng được các bác, các anh thế hệ trước giúp đỡ rất tận tình. Chúng tôi, những người con M’Nông ra sức bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ hay trách nhiệm mà vì tình yêu của chúng tôi với rừng, nhờ rừng mà chúng tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay” - anh Điểu Hạt chia sẻ.
Theo ông Đặng Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức), Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr được Ban Lâm nghiệp xã Quảng Tâm giao quản lý hơn 1.000ha rừng. Mới đây, Ban Quản lý rừng cộng đồng cũng đã nhận thêm gần 900ha rừng. Mặc dù, lực lượng mỏng, chỉ vỏn vẹn có 35 cán bộ nhưng với quyết tâm cùng với tình yêu gắn bó với rừng của những người con M’Nông như anh Điểu Hạt đã góp phần rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng chung của toàn xã.
Giữ rừng từ “luật tục”
Theo ông Điểu Lanh, nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr, đồng thời cũng là người có uy tín tại đây, đồng bào M’Nông có những quy ước để bảo vệ rừng rất chặt chẽ, theo “luật tục” truyền lại, cộng đồng các bon đã xây dựng các bản hương ước, quy ước có tính “pháp chế” của cộng đồng, do cộng đồng đặt ra và bám vào đó thi hành. Đơn cử, trong Khoản 1, Điều 7 của Quy ước quản lý bảo vệ rừng của bon Bu Nơr có ghi rõ về nghĩa vụ người quản lý rừng là mỗi hộ gia đình, nhóm hộ có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, nhóm hộ tổ chức cho hộ trong nhóm định kỳ tuần tra rừng như mỗi lần tuần tra cử 2 người, với 4 lần tuần tra trong 1 tháng.
“Những cán bộ người M’Nông như anh Điểu Hạt đã có rất nhiều đóng góp tích cực và hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật. Hiện tại, trên địa bàn huyện Tuy Đức có rất nhiều người dân tộc M’Nông cũng rất tích cực tham gia bảo vệ rừng. Chúng tôi luôn tạo điều kiện và hỗ trợ cho người dân cùng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát tại địa bàn có rừng”.
Ông Lê Đắc Thành
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm
huyện Tuy Đức
Đặc biệt, vào đầu mùa phát rẫy, nhóm hộ phải tổ chức tăng cường tuần tra để ngăn chặn phá rừng làm rẫy và chống cháy rừng. Cũng theo ông Điểu Lanh, tất cả các thành viên tham gia công tác quản lý, bảo vệ đều bám vào các điều khoản quy định của Quy ước mà thực hiện. Nhờ vậy, công tác quản lý rừng cộng đồng của bon Bu Nơr được thực hiện quy củ, mọi người tuân thủ một cách nghiêm túc. Vì thế, diện tích rừng được giao của bon không xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm trái phép.