Chạnh nhớ Tết quê
Văn hóa - Ngày đăng : 13:59, 01/02/2022
Nhưng để có một cái Tết Nguyên đán thật chỉn chu theo đúng nghĩa của nó, mọi nhà, đặc biệt là những gia đình ở nông thôn đã có sự chuẩn bị từ trước đó cả tháng trời. Từ đầu làng cuối xóm, nhà nhà rủ nhau đụng lợn để có thịt gói bánh chưng, gói giò, có mỡ rán chuẩn bị ăn Tết. Sau khi mọi công việc chuẩn bị đã xong, mọi gia đình đều sửa soạn vôi ve lại nhà cửa, mua sắm lễ nghi đủ cho 3 ngày Tết.
Sau 23 tháng Chạp tiễn Táo quân về trời, không khí Tết mới thật sự đến với mọi nhà. Bắt đầu từ sáng sớm 26 đến Ba mươi Tết, điều dễ nhận thấy nhất ở các vùng quê là tiếng lợn eng éc. Cũng phải nói rằng những năm 80 của thế kỷ trước, lúc ấy kinh tế của cả nước còn nhiều khó khăn, mọi nhà chỉ đến ngày giáp Tết mới được ăn bữa lòng lợn, tiết canh thật ngon chứ không được thoải mái như bây giờ. Đụng lợn ngày giáp Tết vui như ngày hội. Người thì làm lòng, nhồi lòng, luộc lòng, sau đấy thì chia lòng theo định suất đã đụng. Người thì giã giò, tiếng chày tiếng cối đá va vào nhau kêu thịch chấc, thịch chấc nghe thật vui và đầm ấm đến lạ thường mà chỉ có ở các vùng quê mới nghe thấy trong mỗi dịp Tết đến xuân về hoặc trong các lễ hội của làng, cưới hỏi của quê hương. Các cụ già thường thì ngồi gói bánh chưng. Mà gói bánh chưng ở quê cũng nhiều chuyện thật vui. Người rửa lá dong, người lau lá, người gấp lá, người thái hành, giã đỗ, người thì chẻ lạt, xếp khuôn… cứ nhộn nhịp vui tưng bừng cả lên. Các cụ già có nhiều kinh nghiệm và khéo tay thì chỉ gói vo chứ không cần gói bằng khuôn mà bánh cứ vuông chằn chặn, còn lũ trẻ hí hoáy gói gói, buộc buộc mà cứ cái lồi, cái lõm trông thật buồn cười, nhưng sau khi người lớn chỉnh sửa thì chiếc bánh chưng lũ trẻ chúng tôi gói cũng được hoàn thành. Khoảng chiều tối, mọi nhà đều bắc bếp để luộc bánh chưng. Trời cuối đông khô hanh, lạnh buốt mà được phân công ngồi canh nồi bánh chưng thì thật là sung sướng. Bánh chưng thường phải luộc khoảng 10 đến 12 tiếng thì bánh mới rền, khi vớt ra bánh phải được xếp lần lượt trên tấm gỗ phẳng hoặc cánh cửa gỗ gỡ ra phục vụ cho gói bánh, sau đấy lấy cánh cửa khác đè lên trên để vừa ép cho ra nước, vừa giữ cho bánh vuông vắn không bị xộc xệch.
Chiều Ba mươi Tết, mọi nhà đều thơm thơm nồi nước tắm gội. Tắm gội vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa được truyền lại, nay vẫn được nhiều gia đình ở miền Bắc duy trì. Theo quan niệm người xưa, mọi thành viên trong gia đình được tắm gội bằng nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là để trút bỏ những điều chưa vẹn tròn hay những nỗi ưu tư còn vương vấn trong cuộc sống và công việc mà sẵn sàng đón nhận niềm vui, những điều may mắn trong năm mới.
Chiều Ba mươi Tết - những khoảnh khắc cuối cùng của năm trôi đi thật nhanh, nhà nào cũng chuẩn bị một bó hương thơm ra mộ để thỉnh mời các cụ về ăn Tết cùng cháu con trong thời khắc chuẩn bị chào đón Xuân mới. Ở nhà, thường thì người bố hoặc người anh cả ăn mặc chỉnh tề sắp sửa bàn thờ gia tiên, mẹ hoặc người chị cả chuẩn bị một mâm cơm cúng thật chu đáo để mời các cụ bề trên về ăn bữa cơm tất niên. Trên bàn thờ nhà nào cũng có hai cặp bánh chưng, bình hoa cúc và một cành đào hoặc cành mai. Thời khắc Giao thừa là lúc cả nhà sum vầy bên nhau để cùng dành cho nhau những lời chúc mừng ấm áp. Trong khói hương trước bàn thờ gia tiên, con cháu thầm cầu mong năm mới cả nhà được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.
Buổi sáng mùng Một Tết, cả nhà sum vầy bên nhau. Người lớn tuổi trao cho con cháu những chiếc bao lì xì cùng với những lời chúc mừng năm mới thật ấm áp, cầu mong con cháu mạnh khỏe, học hành công tác tấn tới. Đáp lại, con cháu cũng không quên dâng lên các bậc cao niên những chiếc phong bao lì xì với lời kính chúc ông bà, cha mẹ một năm mới thật mạnh khỏe, trường thọ bên con cháu. Sau đấy cả nhà cùng đi chúc Tết theo tục lệ: “Mùng Một Tết Cha, mùng Hai Tết Mẹ, mùng Ba Tết Thầy”. Ý là, ngày mùng Một là Tết bên họ nội, mùng Hai Tết bên họ ngoại, còn mùng Ba là đi Tết các thầy cô giáo của mỗi người. Tết xưa là thế, biết bao ký ức thật ấm áp nghĩa tình.
Ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhiều điều có thể đã bị rơi vào quên lãng, có những thứ như đang dần mờ phai và không khí ngày Tết cũng không giống như của thời xưa ấy. Trong cuộc sống bùng nổ thông tin của thời đại 4.0 hiện nay, những cái Tết online đã xuất hiện trong các gia đình giới trẻ, ngày Tết chỉ cần một vài cuộc điện thoại là đã có đầy đủ mọi thứ. Giữa dòng chảy của cuộc sống hối hả và hiện đại ngày nay, nhiều gia đình vẫn cố giữ lại chút gì đó hương vị Tết truyền thống qua việc đi chợ Tết, giã giò, gói giò, nấu bánh chưng, để con cháu được trải nghiệm những ngày Tết thật trọn vẹn.
Một năm mới lại sắp về. Với người dân Việt Nam, Tết đến Xuân về chính là thời khắc sum vầy hạnh phúc nhất trong năm để gia đình đoàn tụ. Cũng vì mưu sinh mà nhiều người phải xa quê hương, xa gia đình và những người thân yêu, nhưng khi Tết đến, họ đều hướng về nơi quê cha đất mẹ, hướng về gia đình và mong được đoàn tụ trong những ngày đầu xuân năm mới.
Trên bước đường đời, ai trong chúng ta cũng có những lúc tưởng chừng không đủ sức vì công việc, áp lực cuộc sống và giờ đây thêm nỗi lo khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường. Trong những ngày cuối năm, có khi nào bạn đã cảm thấy mình còn đang thiếu một điều gì đó rất thiêng liêng trong cuộc sống, phải chăng đó là những giây phút được đoàn tụ bên gia đình để cùng đón Giao thừa nơi quê cha đất tổ. Vậy nên, vài lời chia sẻ Tết xưa Tết nay âu cũng là bày tỏ nỗi nhớ quê day dứt trong lòng. Tết đến mang theo sắc xuân, chồi non lộc biếc đến muôn nhà, xin được kính chúc người người vui tươi phấn khởi, chào đón một mùa xuân mới Nhâm Dần 2022 thật hạnh phúc và bình an.