Để tương lai mãi xanh

Môi trường - Ngày đăng : 13:25, 01/02/2022

Bảo vệ môi trường đã bước sang chặng đường mới với những thành công trong việc hoàn thành khung pháp lý vững chắc, tạo tiền đề cho việc bảo vệ môi trường được hiệu quả. Bằng những nỗ lực và kết quả hoạt động năm 2021 của các cơ quan chức năng, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho môi trường.

1. Chúng ta sẽ sống ra sao nếu thiếu cây xanh? Chắc chắn, khi đó, lượng oxy sẽ thiếu hụt một nửa, Trái đất nóng lên, không khí không được điều hòa, ô nhiễm, đất đai cằn cỗi, động vật bị tuyệt chủng… Chỉ trong vòng 15 năm, nạn chặt phá rừng đã khiến rừng tự nhiên ở Việt Nam vắng dần những cây gỗ lớn, cả nước đã mất 0,6 triệu ha rừng phòng hộ. Ở các đô thị, những khối bê tông đồ sộ đang át đi các mảng xanh, không gian của cây cối bị thu hẹp. Một thành phố lớn như TP.HCM hiện cũng chỉ có hơn 540 triệu m2 cây xanh, tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn thành phố là 13,74m2/người. Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây xanh nhưng giờ đây tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số chóng mặt khiến tỷ lệ cây xanh đã trở nên quá thấp, chỉ khoảng 2m2/người và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

trang30.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc tham gia Lễ ra quân trồng cây do báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Cam Lâm, Khánh Hòa năm 2021.


Để góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, xanh hóa đô thị và nông thôn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2021 là năm đầu tiên cả hệ thống chính trị và gần 100 triệu người dân Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi, khởi động các hoạt động trồng cây, bảo vệ rừng.
Mặc dù, mới chỉ năm đầu thực hiện, nhưng việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân. Thông qua Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... tăng lên đáng kể.
Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Với sự quyết tâm cao, chắc chắn mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh sẽ đạt được. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm 150.000ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến. Và với tổng diện tích 180.000ha rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 45 triệu USD. Ngoài ra còn giá trị thu được từ các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ môi trường rừng,… do rừng và cây xanh mang lại. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng xây dựng kế hoạch trồng cây xanh với chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần.
2.
Bước sang năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực, mở đầu cho việc giải quyết những vấn đề về rác thải, kiểm soát các sự cố môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… tồn tại từ giai đoạn trước.
Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng việc phát sinh rác thải nhựa ra môi trường sẽ được hạn chế thông qua những quy định cụ thể về việc tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Lần đầu tiên quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc được đưa vào Luật.
Đối với phế liệu nhập khẩu, để tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đưa rác thải vào nước ta, biến cảng biển thành bãi chứa rác thải, phế thải nhập khẩu, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định các tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai trồng mới hơn 11 nghìn cây xanh tại 3 xã (A Vương, Lăng và Chơm), huyện Tây Giang (Quảng Nam). Trung tâm Truyền thông TN&MT đã phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước, với gần 1 triệu cây xanh được trồng mới góp phần quan trọng trong hành trình đưa màu xanh đến mọi miền Tổ quốc.

trang30.jpg


Để kiểm soát, hạn chế các tổ chức, các nhân gây ra ô nhiễm môi trường, Luật đã xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của doanh nghiệp, Luật quy định các đối tượng xả nước thải, bụi, khí thải lớn ra môi trường phải quan trắc định kỳ; đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục bao gồm các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải trung bình trở lên và cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải lớn, các khu, cụm công nghiệp… Song song với đó, áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; là tiền đề phát triển thị trường các-bon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường. Mọi chế định đưa ra trong Luật đều bảo đảm “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Việc bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân được coi là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới.
Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực, các quy định tại Nghị định hướng dẫn quy định chi tiết Luật sẽ được triển khai trong cuộc sống. Cùng với đó là các chương trình đề án Đảng, Nhà nước đã đề ra như Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đã phần nào cải thiện được tình trạng rừng thưa vắng đại thụ, thành phố thiếu cây xanh. Từ thực tế đó, có thể thấy rằng, bước sang năm 2022, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực môi trường sẽ đạt được.

Mai Chi