Sắc xuân giữa đại ngàn Phja Oắc - Phja Đén

Văn hóa - Ngày đăng : 07:53, 01/02/2022

(TN&MT) - Nằm trong Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mang lại tiềm năng lớn về du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Viên ngọc quý” của thiên nhiên

Khi chùm nắng đầu xuân đã nhuốm cả không gian một màu vàng trong trẻo, đằm thắm như vốn có của núi rừng vùng cao, chiếc xe ô tô chở chúng tôi vượt qua những cung đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, nhưng ngoạn mục để đến với Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Thiên nhiên khéo kiến tạo cho Phja Oắc - Phja Đén một vẻ đẹp kỳ vĩ, sống động, có hương, có sắc, gợi cho ta những cung bậc cảm xúc nồng nàn, khó tả.

Vẻ đẹp của Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén được ví như “viên ngọc quý”, là “lá phổi xanh”, “nóc nhà” phía Tây của tỉnh Cao Bằng với đỉnh núi Phja Oắc có độ cao 1.931m so với mực nước biển. Nơi đây không chỉ có nhiều loại khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc, thiếc, vonfram, quặng uranium…, mà rừng còn có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật, trong đó, có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như ba gạc lá vòng, bách bộ đứng, dẻ tùng sọc trắng… Hiện, Vườn có 496 loài động vật có xương sống và hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng; 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như tê tê vàng, khỉ mặt đỏ, báo gấm, vượn đen…; 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp…

Cũng bởi đặc điểm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình thấp, độ ẩm cao, Phja Oắc - Phja Đén còn là thiên đường của các loài hoa. Hoa ở đây mọc bốn mùa, hoa mọc tự nhiên dọc hai bên đường, tràn vào các khe núi, phủ lên những sườn núi cao khoe muôn sắc màu khiến Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén luôn tươi mới, mang vẻ đẹp mê hoặc. Còn mùa đông giá lạnh, nơi đây lại mang phong cảnh diễm lệ như ở châu Âu khi đỉnh Phja Oắc phủ kín một màu trắng của băng tuyết.

2-2-.jpg
Lung linh Phja Oắc. Ảnh: Huy Hùng

Đánh thức tiềm năng

Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng, núi rừng Phja Oắc - Phja Đén mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, với hệ sinh thái đặc trưng đa dạng, phong phú động, thực vật cùng nhiều loại khoáng sản quý, hiếm. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén được tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng.

Hiện, trên địa bàn Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén có 16 hộ dân và 23 tổ, xóm cộng đồng tham gia bảo vệ trên 9.600ha rừng đặc dụng. Để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, hàng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội quy, quy chế quản lý bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện khoán công việc, dịch vụ bảo vệ rừng đặc dụng tạo thu nhập cho người dân ở vùng đệm. Từ đó, người dân có ý thức chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo vệ hệ động, thực vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia này.

Bà Du Thị Say, Trưởng xóm Phja Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình là một trong những người tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén chia sẻ: “Xóm Phja Đén có 51 hộ đều tham gia bảo vệ vùng đệm Vườn Quốc gia. Xóm chia thành 4 tổ, hàng tháng các tổ luân phiên tuần tra, bảo vệ hơn 300ha rừng được giao khoán. Chúng tôi coi rừng là tài sản vô giá được thiên nhiên ban tặng, vì vậy, không để xảy ra tình trạng chặt phá, đốt rừng hay xâm hại đến rừng”.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, nhằm phát huy giá trị tiềm năng, lợi thế Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, Ban Quản lý rừng đặc dụng đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân. Ông Hà Văn Hương, Phó Giám đốc Phụ trách Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén cho biết, đơn vị thành lập các trạm kiểm soát, các tổ, nhóm bảo tồn tại các thôn, xóm vùng đệm. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cộng đồng xóm và các tổ bảo vệ rừng tăng cường duy trì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sắp xếp, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Công tác phát triển rừng được Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén triển khai hiệu quả. Đến hết năm 2020, Ban Quản lý rừng đã triển khai đến các tổ chức, cá nhân nhận khoán chăm sóc, phát triển rừng, trồng mới 21ha rừng sản xuất; hỗ trợ phát triển cộng đồng cho 15 xóm, số tiền hỗ trợ mỗi xóm 40 triệu đồng để xây nhà văn hóa, làm đường nông thôn. Trong năm 2021, thực hiện ươm hơn 300 cây giống bách vàng, trồng 10.000 cây phân tán…

Để Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén thực sự là “viên ngọc quý”, là “lá phổi xanh” của Cao Bằng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác phát triển, làm giàu tài nguyên rừng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng; quan tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm Vườn Quốc gia...

Những cây đào, mận đã bật nụ, bung hoa cùng khoe hương, khoe sắc với ngàn hoa trong nắng. Sắc xuân như mang khát vọng đánh thức tiềm năng “viên ngọc quý” mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng, để nó trở thành điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - ngọn núi của những đổi thay” trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng của du khách trong và ngoài nước.

Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén được thành lập từ tháng 1/2018 trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu Bảo tồn, với tổng diện tích tự nhiên hơn 10.000ha (trong đó, có hơn 8.000ha rừng tự nhiên), trải dài trên địa phận các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Vườn Quốc gia được quy hoạch thành 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 4.035ha; Phân khu phục hồi sinh thái 6.417ha; Phân khu dịch vụ hành chính hơn 140ha.

Huy Hùng