Khơi những dòng sông

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 23:54, 31/01/2022

(TN&MT) - Ai cũng có một dòng sông trong tâm thức. Trên dải đất hình chữ S thân thương của Việt Nam, hơn 2.000 con sông đang ngày đêm tuôn chảy, dung dưỡng, bồi đắp những giá trị lịch sử - văn hóa - môi trường.

Ai cũng có một dòng sông

Người ta thường ví, nếu như những ngọn núi trùng điệp như vóc dáng người cha thì những dòng sông hiền hòa và dạt dào như tấm lòng của người mẹ. Cũng bởi thế, sông đâu chỉ là sông. Sông có tên có tuổi, có thân phận như đời người.

Mỗi dòng sông đều có một vẻ đẹp riêng, một huyền thoại riêng, gắn liền với từng thời khắc thăng trầm, vui buồn của dân tộc. Sông Hồng, sông Mã, sông Bạch Đằng, sông Hiền Lương, sông Thạch Hãn, sông Ngàn Phố, sông Cửu Long… Những dòng sông ấy chảy tràn qua tháng năm thao thức, vang lên những điều thiêng liêng thầm kín, nối tiếp nhau truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một bản trường ca nối dài bất tận của thời gian…

Những con sông dù lớn hay nhỏ, dù thơ mộng, dạt dào hay hung dữ, luôn mang trong mình dấu ấn của những nền văn hóa. Sông mang hạt phù sa làm trù phú những miền quê. Dòng nước ấy cùng đôi bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của cư dân đã viết nên một nền văn minh lúa nước của người Việt ngàn năm qua.

Hai tiếng “sông quê” cho ta biết bao nhiêu kỷ niệm để nhớ về. Kể sao cho hết chuyện đất, chuyện người, chuyện về những dòng sông. Chỉ biết rằng, đắp đổi qua tháng năm, xuyên qua những đứt gãy địa chất và thăng trầm của lịch sử, đất - người - dòng sông đã hòa quyện vào với nhau. Để rồi, những người con của đất mẹ, dù có đi đâu về đâu, trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình.

263464441_501202524422610_6659168080729439071_n-1-.jpg
Sông Hương. Ảnh: Anh Sơn

Những quyết sách để hồi sinh

Sông ngòi - những mạch sống của các hệ sinh thái đang bị đầu độc bởi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người.

Để bảo vệ chất lượng nước trên các sông, suối, ngay từ năm 2006, Bộ TN&MT đã triển khai 7 chương trình quan trắc môi trường nước các Lưu vực sông như: sông Nhuệ - Đáy (5 đợt); sông Cầu (5 đợt); sông Đồng Nai - Sài Gòn (4 đợt); sông Mã - sông Chu (3 đợt); sông Hồng - Thái Bình (3 đợt); sông Vu Gia - Thu Bồn (3 đợt) và nước các sông vùng Tây Nam Bộ (3 đợt). Từ đó, đưa ra đánh giá và giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng nước trên các sông.

An ninh nguồn nước đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Bởi thế, với 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ là nguồn nước liên tỉnh, 3.045 sông, suối thuộc các lưu vực sông nội tỉnh, Việt Nam có một tài nguyên quý giá rất cần trân trọng và bảo vệ.

Từ năm 2021, 13 lưu vực sông lớn sẽ lần lượt được quy hoạch tổng hợp. Việc quy hoạch tổng hợp sẽ góp phần phân vùng chức năng nguồn nước, xác định nhu cầu khai thác nước; đánh giá chất lượng nguồn nước; xây dựng các kịch bản điều hòa, phân bổ nguồn nước mặt, nước dưới đất…

Ba lưu vực sông đầu tiên đã có quy hoạch tổng hợp là Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srêpok. Năm 2022 sẽ là lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long. Năm 2023, liên tiếp 6 lưu vực sông dự kiến được quy hoạch là sông Mã, sông Cả, Vũ Gia - Thu Bồn, sông Côn, sông Ba và sông Đồng Nai. Sông Hương và sông Trà Khúc sẽ được quy hoạch vào năm 2024.

Năm 2022, Bộ TN&MT còn tiến hành tổng kết Luật Tài nguyên nước. Việc bảo vệ lưu vực sông sẽ được xem xét toàn diện. Dự kiến, vấn đề bảo vệ lòng, bờ, bãi sông vốn còn hạn chế sẽ được bổ sung, luật hóa. Hướng sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi của vùng quản lý sông theo đó gồm cả vùng đê và vùng thực vật ven đê; tăng cường vai trò quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Tất cả hoạt động có liên quan đến đất và nước sông nào trong vùng sông phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sông được chỉ định cụ thể bất kỳ tổ chức, cá nhân có ý định xây dựng, tái tạo hoặc dỡ bỏ công trình trên đất trong vùng sông phải được sự cho phép của người quản lý sông và chỉ được sử dụng sau khi được kiểm tra bởi cơ quan quản lý sông.

Để những mạch nguồn không biến mất trên bản đồ và luôn chảy nuôi dưỡng môi sinh, rất cần những hành động mạnh mẽ không chỉ từ các cơ quan quản lý mà còn có sự chung tay của cộng đồng từ hôm nay.

Phương Anh