Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 23:53, 31/01/2022

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững vị trí vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước... đang là yêu cầu đặt ra trước mắt và lâu dài đối với TP.HCM. Hơn thế, sự phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh... hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế suy giảm nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19 lần thứ 4

Năm 2020 - năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ nhất đã kéo giảm tốc độ tăng GRDP của TP.HCM xuống dưới mức trung bình của 4 năm trước đó (năm 2020, GRDP chỉ tăng 1,41%; trung bình 4 năm 2016 - 2019 tăng 7,72%). Bước sang năm 2021, mức phục hồi vẫn chậm, GRDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 5,99%. Khó khăn không dừng lại; đợt dịch lần thứ 4 bùng phát biến thành phố thành địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất và dài ngày nhất. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn hoàn toàn ngưng trệ trong 4 tháng liền (từ 31/5 đến 30/9/2021). Đối với một trung tâm kinh tế và giao lưu quốc tế như TP.HCM - nơi mà khu vực dịch vụ chiếm đến 62% cơ cấu kinh tế - chịu ảnh hưởng quá nặng nề. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý III/2021 giảm mạnh, âm 24,97% so với cùng kỳ và cả năm 2021 tăng trưởng âm 6,74% so với năm 2020. Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế trên địa bàn TP.HCM xuống đáy của sự suy giảm, tính từ năm 1986 đến nay.

Đại dịch Covid-19 không chỉ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn đặt ra nhiều vấn đề bất cập khác về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư, cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị… và nhất là đe dọa đến vị trí vai trò của thành phố đối với khu vực phía Nam; vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước…

hcm.jpg

TP.HCM hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Diệu Hằng

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững vị trí vai trò của một trung tâm kinh tế lớn của cả nước… đang là yêu cầu đặt ra, cả trước mắt và lâu dài đối với TP.HCM. Hơn thế, sự phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây chính là thách thức đối với TP.HCM trong 4 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Năm 2022 - Mô hình phục hồi tăng trưởng chữ V

Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM đầu tháng 12/2021 đã đề ra mục tiêu năm 2022, GRDP của thành phố tăng khoảng 6 - 6,5% so với năm 2021. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, với tốc độ đó, nếu xét về số tuyệt đối GRDP năm 2022 cũng chưa đạt được mức của năm 2020, nhưng đó là mô hình phục hồi tăng trưởng chữ V, điều này đang là thách thức đối TP.HCM trong năm mới.

Dĩ nhiên mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khách quan, đó là đại dịch Covid-19 có thực sự chuyển từ đại dịch (pandemic) sang bệnh đặc hữu (endemic) trên phạm vi thế giới để có thể “sống chung với Covid-19” và chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” hay không? Nhưng về mặt chủ quan, bước vào năm 2022, kinh tế trên địa bàn TP.HCM cũng có những điểm sáng và nhân tố thuận lợi để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Thực tế, tuy bị đứt gãy một phần chuỗi cung ứng và nhiều doanh nghiệp mất khả năng tự phục hồi, nhưng cơ bản, hạ tầng kinh tế vẫn giữ nguyên; trên 90% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đang phục hồi các hoạt động. Ngay trong năm 2021, có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, trong đó, ngành thông tin và truyền thông tăng 6,08%; ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%; hoạt động khoa học và công nghệ tăng 3,8%; giáo dục và đào tạo tăng 3,12%; ngành y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 28,68%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ... Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tăng khoảng 11% - 15% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Đặc biệt, hoạt động tín dụng - ngân hàng vẫn duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách Nhà nước; trong đó tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%, tổng dư nợ tín dụng ước tăng 10,7%; lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ... Với truyền thống năng động sáng tạo vốn có của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nếu tháo gỡ tốt những điểm nghẽn về thể chế; chính quyền tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, sự phục hồi tự nhiên của phần lớn doanh nghiệp sẽ trở lại mạnh mẽ. Mô hình phục hồi tăng trưởng hình chữ V hoàn toàn có cơ sở thực tiễn.

Phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2022 - 2025

Như đã nói ở trên, mục tiêu của TP.HCM không phải phục hồi kinh tế theo nguyên trạng mà thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; liên kết kinh tế vùng và phát triển vùng đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

sg.jpg

Thành phố đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển bền vững trong 4 năm 2022 - 2025 với mục tiêu năm 2022 hỗ trợ phục hồi và trong các năm tiếp theo tăng tốc phát triển. Trên tinh thần đó, xác định khả năng tự phục hồi của các ngành công nghiệp và dịch vụ bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 để có những giải pháp cho từng đối tượng phù hợp. Giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi sẽ sàng lọc theo 3 tiêu chí: Đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của thành phố, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục. Đó là (1) Các nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu; (2) Ngành xây dựng, bao gồm hạ tầng giao thông, triển khai các chương trình nhà ở…; (3) Kinh doanh bất động sản; (4) Ngành du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển) và các dịch vụ có liên quan; (5) Thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu); (6) Lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm…

Gắn với mục tiêu ngắn hạn, triển khai đồng bộ các chương trình, đề án trung - dài hạn như: Đề án phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020 - 2025; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số; Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025; Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm Công nghệ thông tin - Truyền thông giai đoạn 2020 - 2030; Xây dựng cơ chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo; Chuyển trọng tâm các giải pháp hướng tới các đối tượng doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ số. Với sự phát triển của công nghệ số, quy mô về vốn và lao động không còn là rào cản trong gia nhập thị trường và tham gia cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ có cơ chế hoạt động linh hoạt, dễ thích ứng, dễ chấp nhận rủi ro, có thể khởi đầu cho những mô hình kinh doanh mới một cách hiệu quả.

Có thể nói, bước vào năm 2022, kinh tế TP.HCM sẽ đối diện với những thách thức chưa có tiền lệ; kinh tế suy giảm nghiêm trọng; tâm lý xã hội vẫn còn bị tác động trước nguy cơ đe dọa của đại dịch Covid-19; nhiều ngành dịch vụ, nhất là du lịch vẫn chưa có cơ hội để phục hồi; nhiều doanh nghiệp không thể tự phục hồi, đang trong giai đoạn chờ các gói hỗ trợ tài chính và tín dụng từ Chính phủ; chuỗi cung ứng quốc gia vẫn còn những điểm nghẽn do cách thực hiện chủ trương “mục tiêu kép” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ/CP vẫn thiếu nhất quán ở nhiều địa phương… Tuy nhiên, chính quyền TP.HCM với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”, thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua nhiều chương trình và đề án cụ thể.

Để vực dậy nền kinh tế trong năm 2022, thành phố thực hiện 3 công cụ chính: tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn; tăng mức đầu tư công như “vốn mồi” để thu hút đầu tư tư nhân, kích thích tổng cầu và hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền… sẽ tiếp sức cho lực lượng doanh nghiệp và gần 400 ngàn hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã phục hồi các hoạt động trong giai đoạn “bình thường mới”. Hy vọng năm 2022 sẽ khởi đầu thành công cho mô hình phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V như kỳ vọng của chính quyền TP.HCM.

TS. Trần Du Lịch