Thắp sáng một niềm tin
Thời sự - Ngày đăng : 23:31, 31/01/2022
Mấy chục năm qua, với sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu dù còn khiêm tốn, nhưng rất có ý nghĩa. Từ một đất nước bị kiệt quệ sau chiến tranh, thiếu thốn đủ bề, nước ta đã trở thành một nước đang phát triển. Hệ thống các đường giao thông từ Trung ương đến các thôn xóm, các cụm cảng, sân bay, khu công nghiệp được xây dựng mới… đã góp phần xóa đi hình ảnh nghèo nàn, lạc hậu trước đây. Tuy vậy, như ai cũng thấy, so với thế giới và các nước lân cận, bước tiến của chúng ta còn nặng nề, chậm chạp. Hình như đang có những lực cản níu kéo chúng ta.
Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã từng được nghe nhiều ý kiến tâm huyết muốn tháo gỡ các khó khăn để vươn lên. Đó là các vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân, người lao động và người lãnh đạo, quản lý xã hội; là phát huy nguyên tắc dân chủ và ý thức pháp luật cho mọi người; là mở rộng tầm nhìn ra thế giới để dự báo những biến động sẽ xảy ra, và để tiếp thu những cái hay của thế giới, để mang lại lợi ích cho dân tộc. Đó là những vấn đề rất quan trọng, rất bức xúc, cần được tháo gỡ.
Nhưng có lẽ, đó cũng chưa phải là những vấn đề mà bất cứ ai đều cảm nhận được. Cái mà toàn Đảng, toàn dân đang cảm thấy bức xúc nhất, cần tập trung giải quyết ngay chính là vấn đề làm trong sạch bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức, có quyền. Đảng đã chỉ ra những nguy cơ lớn mà chúng ta phải vượt qua. Trong đó, nguy cơ suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống là nguy cơ lớn nhất.
Trước những biến động của đời sống xã hội, Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải tiếp tục công cuộc đổi mới, trên tinh thần lấy dân làm gốc. Đây là điều rất quan trọng, và đây cũng là bài học lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta. Những sai lầm, yếu kém vừa qua, một phần quan trọng là do chưa quán triệt lời dạy đó của Bác, từ đó, có lúc, có nơi đã bị chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chi phối.
Xuất phát từ tinh thần đổi mới, lấy dân làm gốc, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội, vấn đề con người. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Điều này vừa xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, vừa là cách quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người. Những người học trò gần gũi nhất của Bác Hồ trước đây cũng chính là những người sớm nhận thức ra tầm quan trọng của việc giáo dục, đào tạo cán bộ, đảng viên. Như sinh thời, đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà chính trị và văn hóa lớn của dân tộc ta đã suy nghĩ và lo lắng rất nhiều về sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người có chức, có quyền. Có lần, đồng chí viết: “Cửa ải lớn nhất, khó qua nhất là cửa ải quyền lực. Nó còn khó khăn hơn cửa ải sống chết. Quyền lực nó như thứ ma túy, nghiện rồi thì khó bỏ lắm. Không qua được cửa ải này thì con người sẽ sa đọa rất nhanh, kể cả về trí tuệ, phẩm chất”.
Được sống và làm việc dưới sự lãnh đạo và quản lý của những con người có tâm, có tầm, những người “lo trước thiên hạ và hưởng sau thiên hạ”, thì đó là khát vọng muôn thuở của người dân ở bất cứ thời đại nào.
Phải chăng xuất phát từ tình hình thực tế như trên, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, có 2 nhiệm vụ cực kỳ quan trọng:
*Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh.
*Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế… thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Làm tốt những công việc đó chính là phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc ta, của Đảng ta. Đó cũng là cách tốt nhất để định hình con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã khẳng định, là cách tốt nhất để phát triển kinh tế, vượt qua sự tụt hậu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Cùng với tinh thần lấy dân làm gốc và khắc phục những rào cản đang níu kéo chúng ta, đang làm suy giảm lòng tin của dân vào Đảng, công tác nhân sự ở các cấp, đặc biệt ở cấp chiến lược cũng đặc biệt được quan tâm. Nguyên tắc mà Đại hội lần này đưa ra là kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những kẻ đam mê quyền lực, say mê lợi ích nhóm, tham nhũng, quan liêu. Chắc chắn điều này cũng là mong muốn từ lâu của nhân dân, của tất cả các đảng viên của Đảng. Khi được sống và làm việc dưới sự lãnh đạo và quản lý của những con người có tâm, có tầm, những người “lo trước thiên hạ và hưởng sau thiên hạ” thì đó là khát vọng muôn thuở của người dân ở bất cứ thời đại nào. Cố nhiên, để làm được điều đó cũng không phải là dễ. Quá trình phát triển của con người là một quá trình biện chứng. Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu không chỉ diễn ra trong xã hội, mà còn thường xuyên diễn ra trong mỗi con người. Ở đây nguyên tắc tự phê bình và phê bình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ có ý thức tu dưỡng thường xuyên, nghiêm túc của mỗi con người cùng với sự tiếp sức bằng hình thức kiểm tra, giám sát của tập thể, của nhân dân, thì người cán bộ, đảng viên mới có đủ khả năng giữ vững phẩm chất cao đẹp của mình như sinh thời, Bác Hồ dạy chúng ta phải thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình, phải biết dựa vào dân để xây dựng tổ chức và cán bộ.
Khi Đảng tạo được lòng tin, sự yêu mến của dân, thì Đảng mạnh và dân cũng mạnh. Khi đó, và chỉ khi đó, dân tộc ta mới đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ cực kỳ to lớn mà lịch sử đang đặt ra.
Để Đại hội XIII thực sự trở thành luồng sinh khí có sức lan tỏa nhanh, mạnh và bền vững trong đời sống xã hội, chúng ta có quyền hy vọng và chờ đợi những quyết sách mới của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ và đảng viên. Xét cho cùng, vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiên phong của Đảng là ở đây. Sức mạnh của Đảng cũng là ở đây. Khi Đảng tạo được lòng tin, sự yêu mến của dân, thì Đảng mạnh và dân cũng mạnh. Khi đó, và chỉ khi đó dân tộc ta mới đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ cực kỳ to lớn mà lịch sử đang đặt ra. Điều mong muốn từ lâu của Bác: Dân tộc ta sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu - sẽ dần được thực hiện, có lẽ cũng phải bắt đầu từ đó.