Lửa thử vàng...

Thời sự - Ngày đăng : 23:30, 31/01/2022

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã ví cốt cách Việt Nam tựa như rặng tre, hiền lành, chịu thương chịu khó - nhưng càng phong ba bão táp, càng vươn lên mạnh mẽ. Quả vậy, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, mỗi khi phải đối diện khó khăn, thử thách thì sức sống của dân tộc Việt Nam lại bừng lên đột khởi. Và năm Tân Sửu vừa qua là một minh chứng.

Có lẽ phải lâu lắm rồi, dải đất chữ S bên bờ Biển Đông mới lại trải qua nhiều mất mát, khó khăn đến như vậy. Và, cũng chính trong những thời điểm khốc liệt nhất thì những phẩm chất được hun đúc suốt chiều dài lịch sử đã kết nối hàng trăm triệu người Việt trong và ngoài nước cùng sát cánh để từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19. Những ngày này, gian khó vẫn còn, bóng đen Covid-19 vẫn còn u ám đâu đó trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng cả đất nước đã sẵn sàng đón xuân mới Nhâm Dần với niềm tin son sắt vào chiến thắng sau cùng.

binhthan.jpg

Thực tế, đất nước bước vào năm Tân Sửu với nhiều niềm vui và hy vọng sau 3 đợt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020; đặc biệt là thành công rực rỡ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhưng biến chủng mới của Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã làm đảo lộn nhiều dự đoán. Các vùng kinh tế trọng điểm ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông đứt gãy, hàng triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập… Hơn thế nữa, biến chủng Delta đã khiến hơn hai mươi ngàn đồng bào tử vong và nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch hy sinh. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%, mức thấp nhất sau 30 năm. Hai năm liên tục GDP của Việt Nam dưới 3%, chưa được một nửa so với tăng trưởng bình quân của 5 năm trước đó.

Với bản lĩnh "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa" xuyên suốt lịch sử, càng khó khăn, sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc Việt Nam càng quật khởi. Năm 1284, quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh đã chinh phục cả thế giới lúc đó đang dòm ngó Đại Việt, tại Hội nghị Diên Hồng, khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông cất tiếng hỏi: "Nên hòa hay đánh?" thì linh khí của non sông đã lên tiếng từ tất cả con dân nước Việt theo lời thề "Sát Thát". Năm 1945, trong bối cảnh vừa giành được độc lập, chính quyền Cách mạng phải đối phó thù trong giặc ngoài và những di họa nặng nề của 100 năm dưới ách đô hộ thực dân phong kiến như "giặc đói", "giặc dốt"... bủa vây, rất hiếm người tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ có thể đứng vững. Vậy mà dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã lập nên những kỳ tích của thế kỷ XX, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Và đến hôm nay, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát như một hiểm họa đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ. Dù phải chịu đựng vô vàn khó khăn, tổn thất, nhân dân cả nước vẫn một lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị, đến nay Việt Nam đã cơ bản vượt qua giai đoạn khó khăn, đang nỗ lực ổn định và phục hồi để phát triển. Tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Không tránh khỏi có lúc lúng túng, bị động trong Chiến lược vắc-xin, nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay chúng ta có tỷ lệ tiêm vắc-xin phủ rộng, góp phần quan trọng vào tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng. Dịch bệnh chưa được đẩy lùi hoàn toàn, con số người nhiễm bệnh vẫn còn cao nhưng đa phần triệu chứng nhẹ; cuộc sống dần “hồi sinh” trở về trạng thái bình thường mới. Ngay trong cao điểm dịch bệnh, sau thời gian ngắn ngưng trệ, các địa phương đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối liền chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Từ chỗ sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân gặp khó khăn, đến nay đã cơ bản ổn định. Càng về cuối năm, “sức khỏe” của nền kinh tế càng có nhiều dấu hiệu phục hồi. Hai năm liên tục (2020, 2021), GDP dưới 3% nhưng vẫn là con số rất đáng được ghi nhận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng vì dịch bệnh.

Từ những thành công trên mới lý giải được sự kiện Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moodys, Standard & Poor's và Fitch) đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Đó là sự công nhận của cộng đồng quốc tế về sức bật của Việt Nam, từ đó tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022, tạo tiền đề vươn lên hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", thành công và cả những thất bại, khó khăn của năm Tân Sửu vừa là kinh nghiệm, cũng là động lực để cả hệ thống chính trị, mỗi doanh nghiệp và người dân Việt Nam thêm dày dạn bản lĩnh trước những thử thách mới; đón Xuân Nhâm Dần 2022 với thật nhiều hy vọng và tin tưởng.

TS. Nguyễn Phương An - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh