Những người thức với mùa Xuân
Xã hội - Ngày đăng : 18:27, 31/01/2022
Kể từ khi công tác vệ sinh môi trường đô thị của Thủ đô được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco điều chỉnh từ ngày sang đêm để không bị ảnh hưởng cuộc sống người dân, người Urenco đã “cả gan” đảo vặn chiếc đồng hồ, đổi thay nhiều nếp sinh hoạt cũ.
Thay đổi đầu tiên là bữa cơm tất niên của các gia đình có người đi làm đêm Giao thừa. Thời ấy, cái Tết của những năm 90 cơ bản vẹn nguyên phong cách cũ, nhiều gia đình khá khó khăn khi chấp nhận việc vắng đi một thành viên trong bữa cơm trừ tịch và thời khắc Giao thừa, đặc biệt người đó lại là trụ cột hoặc chân nội trợ. Việc cắt lịch trực đêm Ba mươi vì thế trở thành trăn trở của Phòng Điều hành.
Thế nhưng câu chuyện này cho đến năm 1998 thì Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến (khi đó là cán bộ Phòng Điều hành) mới thực sự thấm thía. Bởi năm đó, anh vừa lập gia đình. Chứng kiến giọt nước mắt của người vợ trẻ xa chồng đêm Ba mươi, nhất là thời điểm đứa con đầu lòng ra đời, anh đã hiểu thế nào là nỗi thiệt thòi của hậu phương. Nhưng nghề thì đã chọn người và người cũng đã chọn người, nên cả đôi bên chỉ còn cách lao vào công việc.
14h, tất cả những ai trực đêm Ba mươi đều phải có mặt ở nơi tập kết. Thời gian của những ngày cuối năm đuổi sau lưng mà khối lượng rác phát sinh quá nhiều. Người Việt thường có thói quen dọn dẹp nhà cửa, thanh lý đồ cũ dịp cuối năm. Vì thế, rác đổ ra đường không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn là đồ vật cũ, vật liệu xây dựng thải bỏ, cây cối… Lại nữa, theo quan niệm dân gian, đổ rác đầu năm sẽ “mất lộc” nên trước Giao thừa, có bao nhiêu rác phải tranh thủ bỏ cho bằng hết. Vì thế, rác tầm này tăng lên chóng mặt.
Rác tăng nhưng nhân công lao động không tăng.
Vậy nên, các đơn vị phải tăng tốc, kết thúc công việc trước 22h30, thu quân sớm để ưu tiên nhân lực cho khu vực trung tâm, đặc biệt là Hồ Gươm.
Giao thừa, người các ngả đổ lên khu vực trung tâm rất đông. Theo chân người đi chơi Tết có thể là một “dòng sông rác”. Sợ nhất là những năm chưa cấm pháo, sợ hơn nữa là năm ấy mưa phùn, xác pháo cùng với mưa ẩm nằm ệp xuống mặt đường, gặp chân người qua lại đè lên. Cây chổi lúc ấy thật nặng tay, tiếng chổi nặng nhọc. Chỉ người trong cuộc hiểu, nếu không phải thợ lành nghề thì quả là chỉ còn biết khóc trong rác.
Thế nên những năm chưa có máy quét, hút rác, chị em phải tìm tòi kỹ năng buộc chổi. Sao cho chiếc chổi vừa đủ sải tay, vươn rộng lòng đường nhưng lại không được cồng kềnh, vừa hiệu quả mà lại vừa bền dai. Lại còn phải kể đến kỹ năng quét rác. Chân phải trụ, nửa người trên vặn dáng, tay vung nhịp nhàng, nẩy mà không bắn ngược lên, mài mà không bệt. Nếu không, đầu chổi sẽ kéo trì người xuống, không ngã thì cũng mỏi nhừ đôi cánh tay. Những người công nhân môi trường đô thị khi đó chẳng khác nào một vũ công trên đường phố.
Trước 6h sáng, mọi tuyến đường đều sạch sẽ tinh tươm. Người người thức dậy sớm đi chúc Tết, lễ chùa. Trên con đường tinh khôi sáng đầu năm, mấy ai biết những người lao công đã thức xuyên Giao thừa và vừa rời phố.
Họ sẽ về trong bộ quần áo lao công lấm bụi, cơ thể nồng nã mồ hôi, đôi bàn tay mỏi rời rã. Ai đó gội đầu lá thơm, ai đó quần là áo lượt, còn người công nhân
Urenco, trở về, chẳng dám ao ước có chậu lá thơm tắm táp đâu, chỉ thèm trút bỏ bộ quần áo, vắt tạm lên dây, tắm một cái rồi soạn mâm cơm cúng, hay đơn thuần là lên giường ngủ một giấc coi như món quà đầu xuân.
Đấy là công nhân. Còn với lãnh đạo, điều hành, khi công nhân lao động thì cán bộ cũng theo sát động viên, chỉ đạo điều hành sản xuất. Khép lại một đêm, chỉ khi người công nhân cuối cùng về nhà an toàn, thì hôm ấy mới là trọn vẹn trước nỗi lo. Lao động mệt nhọc đã đành. Còn là nỗi lo mất an toàn trên những tuyến đường lao động.
Để đảm bảo tốt nhất cho cán bộ, nhân viên nếu chẳng may có bất trắc xảy ra, Ban Lãnh đạo Công ty đã thiết lập đường dây nóng, thông tin điện thoại bệnh viện, ký sẵn hợp đồng cứu hộ ràng buộc điều kiện phục vụ đêm Ba mươi. Hợp đồng này sẽ ứng trả trước một khoản tiền không hoàn lại kể cả không có sự cố tai nạn. Và, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tiến, ước mong lớn nhất đó là năm nào Công ty cũng ĐƯỢC TRẢ TIỀN KHỐNG.
Chỉ cần bình yên về người thôi, còn vất vả thế nào cũng được. Người Urenco đã quen với vất vả nên tự tại lạc quan, luôn biết cách biến khó khăn vất vả thành niềm vui. Chứng kiến họ đón Giao thừa ngay trên vỉa hè, đường phố sẽ thấm thía điều này. Mâm cúng Giao thừa cũng đủ đầy. Cán bộ, nhân viên gặp mặt, mừng tuổi, uống với nhau một ly rượu đầu xuân, chúc nhau những điều ngọt ngào. Hát hò, khiêu vũ. Đã là người cùng một nhà thì câu nệ gì khoảng cách. Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến kể, Giao thừa năm ngoái, anh nhận được lời đề nghị khiêu vũ từ một nữ công nhân.
Nhảy chứ, phải hòa vào những người lao động. Đó là văn hóa của người Urenco như dòng nước mát lành nuôi dưỡng tình cảm, sự đồng hành, gắn bó bền lâu. Đó cũng là cách mà họ truyền cho nhau tinh thần biết nâng niu những điều giản dị mình đang có và ngẩng cao đầu. Bởi không có nghề cao quý hay thấp hèn mà chỉ có người cao quý hay thấp hèn mà thôi. Cao quý phụ thuộc vào phẩm chất, không lệ thuộc vào nghề nghiệp.
Những người thức với mùa xuân đã có rất nhiều cơ duyên đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội trong đêm Ba mươi. Nhớ nhất là lần đồng chí Nguyễn Phú Trọng đại diện Thành ủy Hà Nội tới thăm. Tự tay ông cầm chổi quét rác, xúc đất cùng công nhân. Ông bảo, phải làm thật như người Urenco và hãy tự hào mình là người lao động của Urenco.
Lao động là vinh quang. Và người Urenco đang ngày ngày tô thắm niềm vinh quang của mình. Nếu mang lửa thử vàng thì khó khăn chính là lửa thử phẩm chất vàng của người Urenco. Bền bỉ hàng chục năm nay, đặc biệt qua mấy mùa dịch Covid-19 dữ dội mới đây, vất vả, hiểm nguy, nhất là với những người thu gom, xử lý rác trong khu cách ly do dịch, nhưng tịnh không một ai ngả lòng, không ai có ý định thoái thác hay thôi việc…
Năm nay, thêm một Giao thừa họ thức với mùa xuân, trong bối cảnh dịch còn chưa chấm dứt. Đã lâu rồi không phải quét dòng sông pháo bết bát đêm Ba mươi. Giờ nếu có nơi nào rác khó thì cũng đã có thêm máy quét, hút hỗ trợ. Đường cũng đã cơ bản đủ sáng và áo quần bảo hộ cũng đã gắn chất liệu phát sáng để nhận biết an toàn. Vui hơn một chút, đỡ nhọc nhằn hơn một chút, và cũng “Thương những người lãnh đạo của Urenco mình hơn. Vì năm nay cả nước khó khăn nhưng vẫn cố lo đủ cái Tết cho anh em, tiền thưởng tiền lương đủ cả”.
Đã hiểu vì sao chuyến tàu đêm Giao thừa của Urenco năm nào cũng miệt mài chạy, bền bỉ chạy. Đã hiểu vì sao những người thức với mùa xuân không chạnh lòng khi mùa xuân không được thức với gia đình. Đêm Giao thừa, nếu chú ý lắng nghe, sẽ có một câu hát nhiều lần được cất lên “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết dành phần ai”. Dường như trong câu hát ấy, có một góc dành cho người Urenco vậy.
Chỉ cần bình yên về người thôi, còn vất vả thế nào cũng được. Người Urenco đã quen với vất vả nên tự tại lạc quan, luôn biết cách biến khó khăn vất vả thành niềm vui. Chứng kiến họ đón Giao thừa ngay trên vỉa hè, đường phố sẽ thấm thía điều này.