Mùa xuân Sa Pa

Xã hội - Ngày đăng : 16:09, 31/01/2022

(TN&MT) - Đến Sa Pa vào những ngày cuối năm, mùa xuân như đổ xuống từ đỉnh núi Fansipan. Nắng xuân vàng như mật soi rọi xuống những tinh thể băng tuyết còn sót lại của những ngày đông giá lạnh, làm ánh lên sắc cầu vồng. Hoa đỗ quyên, hoa đao rừng đồng loạt “thức tỉnh”, bung nở, căng tràn sức sống. Cảnh sắc đó khiến bao kẻ lữ hành cứ nhất quyết tìm đến Sa Pa vào xuân như một lời ước hẹn.

Những ai đã từng đi dọc triền xuân của Sa Pa đều dễ dàng nhận ra, Sa Pa đang đổi thay từng ngày để xứng danh là Khu du lịch quốc gia, mang tầm cỡ quốc tế.

Cùng đi ngược triền xuân chúng ta thấy, Sa Pa trước đây chỉ là một “cổ trấn nhỏ”, một phố chợ xưa nằm trong sương mù ít người biết đến. Các cảnh quan nhân tạo như bãi đá cổ, nhà thờ đá rêu phong, cổ kính và vắng khách du lịch. Trước khi có hệ thống cáp treo hoạt động (năm 2016), rất ít người có cơ hội đặt chân lên “nóc nhà Đông Dương”. Vào năm 2015, 45% dân số của Sa Pa là hộ nghèo và cận nghèo. Sa Pa khi đó đẹp mà buồn, đẹp mà nghèo.

Chỉ hơn nửa thập kỷ trở lại đây, Sa Pa chuyển mình một cách ngoạn mục. Đặc biệt, năm 2017, khi Sa Pa được công nhận là Khu du lịch quốc gia, mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương được đánh thức. Theo báo cáo, năm 2017 lượng khách du lịch đến Sa Pa đạt 1,75 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2.277 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tăng gấp gần 2,4 lần. Năm 2019, doanh thu tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượt khách du lịch đến Sa Pa vẫn đạt 1,2 triệu lượt, doanh thu về dịch vụ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.

sa-pa-1.jpg
Biểu tượng của Sa Pa, đỉnh núi Fansipan hùng vĩ.

Sa Pa giờ đây càng đẹp hơn, đẹp trong niềm vui sung túc. Trong khắp các bản làng, chị em gái xúng xính trong những bộ váy hoa với nụ cười thường trực trên môi. Nhà thờ đá hơn 100 năm tuổi tọa lạc ngay tại trung tâm thị trấn luôn nhộn nhịp du khách đến chiêm bái, chụp ảnh. Bãi đá cổ với những họa tiết hoa văn kỳ lạ thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Đồng bào Mông mở các gian hàng thêu thùa, bán hàng thổ cẩm, hàng lưu niệm cho khách du lịch và có được nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm ruộng.

Nói về cảnh sắc mùa xuân thì ở đâu và bao giờ người ta cũng nói đến hương sắc các loài hoa. Nhưng hoa của Sa Pa mang một vẻ đẹp thật khác lạ mà có lẽ chỉ khi được chiêm ngưỡng tận mắt và được nghe bằng cả trái tim, người ta mới có thể cảm nhận đủ đầy. Đến nơi đây vào mùa xuân, ta như lạc vào thiên đường của hoa mận, hoa đào. Hoa nở trên các con đường đến các bản làng, hoa khoe sắc trên triền núi đã khiến biết bao đôi chân của những kẻ lữ hành cứ ngập ngừng không nỡ bước đi.

Người dân Sa Pa vô cùng hiếu khách, đặc biệt là trong dịp Tết đến xuân về. Kẻ lữ hành lạc bước khi gia chủ đang dùng bữa thì chỉ có… say quên lối về. Ẩm thực ở Sa Pa vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là rượu ngô, gà bản, thắng cố và cá hồi…

Bây giờ, việc chinh phục đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương rất dễ dàng. Chỉ việc bỏ ra 750 ngàn đồng mua vé và ngồi lên cabin cáp treo, 30 phút sau ta đã có mặt trên đỉnh núi. Đứng ở nơi “giao hòa giữa đất và trời” vào thời khắc mùa xuân gõ cửa, đó mãi là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời mỗi con người. Xuân này, Sa Pa đang vẫy gọi!

Bích Hợp