Cơ hội “vàng” cho nghề nuôi biển vươn khơi

Biển đảo - Ngày đăng : 16:08, 31/01/2022

Để thực hiện Nghị quyết 36 NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhân dịp đầu năm mới, năm khởi đầu cho Đề án đi vào thực hiện, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) để hiểu rõ hơn về thực tế lĩnh vực nuôi biển hiện nay, chiến lược phát triển và những kiến nghị của VSA lên Quốc hội và Chính phủ trong việc chung tay cùng ngành thủy sản đưa lĩnh vực nuôi biển lên tầm cao mới.
PV: Xin ông cho biết tiềm năng phát triển nghề nuôi biển xa bờ của Việt Nam? Thách thức và cơ hội nào cho nghề cá Việt Nam phát triển, ít phụ thuộc vào lực lượng đánh bắt tự nhiên?

PGS,TS. Nguyễn Hữu Dũng:

Việt Nam có khoảng 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ), trong khi diện tích nuôi biển của nước ta đến nay chưa đạt tới 300.000ha, mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển.

ong-dung.jpg
PGS,TS. Nguyễn Hữu Dũng


Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích có tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha (5.000km2), trong đó vùng bãi triều 153.300ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha và vùng biển xa bờ gần 167.000ha, diện tích còn lại là các phương thức nuôi khác. Đây chính là cơ hội rất tốt để phát triển nghề nuôi biển.
Trên thực tế, Việt Nam đang chuyển dần từ khai thác sang nuôi trồng để chuẩn bị cho một tương lai giảm lượng đánh bắt hải sản tự nhiên do đánh bắt quá mức và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái biển. Hiện người dân và doanh nghiệp áp dụng hình thức nuôi biển ngày càng nhiều chủng loại hơn, đây chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày một bị phá hủy nghiêm trọng bởi khai thác quá mức của con người.
Tuy nhiên, lĩnh vực nuôi biển còn gặp nhiều thách thức. Có thể kể đến nghề nuôi biển còn manh mún, cơ sở hạ tầng hạn chế, công cụ quản lý chưa đồng bộ...
PV: Để hiện thực hóa những mục tiêu lớn trong Đề án đặt ra, ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp then chốt, nhưng đối với Việt Nam, đây vẫn là khâu yếu. Vậy theo ông, chúng ta cần thực hiện và tháo gỡ khó khăn gì?

PGS,TS. Nguyễn Hữu Dũng:

Ra biển là phải có công nghệ tiên tiến! Hiện nay, chúng ta đã nhập nội, sử dụng nhiều năm và tự sản xuất được một số thiết bị công nghệ nuôi biển bền, chịu nước mặn, hoạt động ổn định trong bão cấp 12 và thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện biển nhiệt đới Việt Nam. Điển hình là lồng tròn bằng nhựa HDPE kiểu Na Uy, có đường kính 15 - 30 - 50m. Tới đây, cần tìm hiểu, nhập nội, nghiên cứu và hợp tác sản xuất các lồng cầu bằng thép hoặc nhựa HDPE (của Mỹ); lồng lưới chìm hình nón (Mỹ, Hàn Quốc); lồng lưới chìm cố định (Achentina); hệ thống lồng chìm liên kết 1 neo SubFlex (Israel); lồng thép hình tròn khổng lồ nuôi cá đại dương, tàu nuôi cá đại dương (Na Uy); lồng lưới treo nuôi nhuyễn thể xuất xứ từ nhiều nước Âu, Mỹ, Australia, Hàn Quốc.

nuoi-bien-cong-nghiep-mang-den-tam-cao-moi-cao-nganh-nuoi-trong-thuy-san-viet-nam..jpg
Nuôi biển công nghiệp nâng tầm cao mới cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.


Ngoài yếu tố công nghệ còn rất cần xây dựng các chính sách quản lý phát triển nuôi biển như: giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (30 - 50 năm) cho chủ đầu tư, chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ… Và cần sớm xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực, từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, bảo quản, chế biến, căn cứ trên thị trường xuất khẩu.
Chúng ta cần phát triển nuôi biển cả trong các eo vịnh ven bờ, ven các đảo và quần đảo, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Huy động nguồn lực kinh tế kỹ thuật của các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, viễn thông, điều khiển học, nuôi trồng và chế biến, dịch vụ, thương mại thủy sản.
PV: Để thực hiện Đề án nuôi biển đúng hướng, hiệu quả, thay mặt cộng đồng nuôi biển, ông có kiến nghị, đề xuất gì?

PGS,TS. Nguyễn Hữu Dũng:

Để có điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện Đề án, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch vùng biển trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào để có thể triển khai việc giao hoặc cho thuê khu vực biển lâu dài cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện các đề án phát triển nuôi biển bền vững và vùng đất ven bờ để làm cơ sở hậu cần dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng các trại giống hải sản ứng dụng công nghệ cao, cũng như đào tạo công nhân nuôi biển chuyên nghiệp và cán bộ quản lý trại nuôi.

Tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38.800ha, đến năm 2019 đạt trên 256.000ha với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm.


Để có cơ sở phát triển lâu dài, VSA kiến nghị Chính phủ tiếp tục thiết lập khung chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển cộng đồng doanh nghiệp nuôi biển (giao quyền sử dụng vùng biển, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng trung dài hạn, ưu đãi thuế); hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nuôi biển; khuyến khích tích hợp đa ngành và hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ hiện đại, bảo đảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hiệp hội VSA đề xuất xây dựng Đề án thành lập Quỹ Khởi nghiệp và Phát triển nuôi biển công nghiệp - tổ chức hợp tác công - tư (PPP) với nguồn kinh phí chủ yếu do doanh nghiệp đóng góp theo quy định, cùng tài trợ của Nhà nước và hỗ trợ quốc tế. Quỹ sẽ cung cấp tài chính cho doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp và các tổ chức marketing quốc gia, có nhiệm vụ phát triển thương hiệu Hải sản Tinh túy Việt Nam.

nd-26.jpg
Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Hậu


Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp. Chúng ta cần tận dụng có hiệu quả thời cơ đó, tiến ra làm chủ vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp ba diện tích đất liền, làm giàu cho dân, đưa nước ta thành quốc gia hàng đầu thế giới về nuôi biển. Hy vọng năm 2022 sẽ là năm mở đầu những đột phá lớn cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Liên (thực hiện)