“Phố mới” trên dãy Trường Sơn
Xã hội - Ngày đăng : 10:46, 31/01/2022
Biến khó khăn thành lợi thế
Nằm trải dài trên 42 km đường biên giới, giáp với nước bạn Lào. Năm 2000, huyện Vũ Quang được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa của 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ. “Ra riêng” trong bối cảnh là huyện khó khăn nhất tỉnh; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ yếu và thiếu...
Bước vào triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) vào năm 2010, bình quân mỗi xã ở Vũ Quang chỉ được 2,1 trong bộ 19 tiêu chí NTM. Trong khi đó, điều kiện về đất đai chủ yếu là đồi núi cách trở, trình độ sản xuất và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thấp. Đề ra mục tiêu về đích NTM với Vũ Quang đã có nhiều ý kiến cho đó là suy nghĩ viển vông, khó mà đạt được.
Cái khó chồng chất cái khó, kinh phí hạn hẹp, tập quán lạc hậu tồn tại từ lâu đời nên để thay đổi được ngay còn khó hơn cả lên trời. Có thể kể, như việc người dân chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, làm sao thuyết phục được người dân chăn nuôi tách biệt với khu sinh hoạt...là một việc không hề dễ làm.
Trong bộn bề suy nghĩ ấy lại chính là lúc những con người nơi đây đồng lòng trổi dậy, biến khó khăn thành lợi thế. Phương châm “lấy sức dân để làm lợi cho dân” được cấp ủy, chính quyền chọn lựa đã thổn thức nghị lực vượt qua cái khó, cái nghèo của gần 29 nghìn dân. Khi đã hiểu rõ quyền lợi được hưởng, người dân đã bảo nhau thực hiện trách nhiệm trong việc chung sức chung lòng. Bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn lực từ trung ương, địa phương và cả những người con Vũ Quang xa quê đón góp, nhờ vậy từng tiêu chí trong NTM dần được hoàn thiện.
Sau gần mười năm bắt tay xây dựng NTM, đến năm 2021, tiêu chí khó nhất là vấn đề môi trường cũng đã được hoàn thiện. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Vũ Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường cùng song hành với các tiêu chí khác. Trăn trở, tìm cho mình hướng đi thích hợp từ việc hình thành những mô hình mẫu, sau đó nhân rộng trên toàn huyện nên những khó khăn, thử thách nhanh chóng được tháo gỡ”.
Thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường ở Vũ Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường, kết quả mà ngay cả những người trong cuộc khi mới bắt tay xây dựng cũng không dám nghĩ tới.
Ghi nhận nhiều kết quả tốt như: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đạt chuẩn; Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; Có trên 90% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
Với những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, môi trường sống ở NTM huyện Vũ Quang đã có những chuyển biến, đóng góp vào thành quả trở thành huyện biên giới đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Thổn thức một dải biên cương
Về Vũ Quang những ngày này, niềm phấn khởi ngập tràn trên những con đường, ngõ xóm. Nằm sát trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Vũ Quang đã có nhà máy gỗ MDF mang tầm cỡ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động là con em địa phương. Đến hẹn lại lên, đây là thời điểm vào vụ thu hoạch mùa của người dân đang đang sở hữu một trong những “vựa cam” lớn nhất Hà Tĩnh hiện , sự yên bình vốn có ở vùng quê nơi đây được thay bằng khung cảnh nhộn nhịp người ra vào, thương lái đã bắt đầu tìm đến.
Từ trên thân đập hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang một trong những hồ chứa nước lớn thứ ba cả nước, phóng tầm mắt về phía Đông, dòng sông Ngàn Trươi thơ mộng ôm lấy trung tâm huyện lỵ xen lẫn với khu dân cư sầm uất chẳng khác nào một khu “Phố trẻ”. Xa hơn, trên những sườn đồi thoai thoải là những khu vườn mẫu trồng cây ăn quả cho thu nhập “bạc tỷ” đẹp đến mê hồn. Vũ Quang hiện có hơn 1.000 vườn mẫu, trong đó có nhiều vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đông, làm thay đổi đời sống cho chính những người nông dân vùng biên.
Ông Lê Văn Lợi- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với điểm xuất phát thấp, xã Đức Hương chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, gần như chưa đạt tiêu chí nào. Qua nhiều lần thảo luận, xã đã thống nhất lựa chọn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là bước đệm trong xây dựng NTM”.
Những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, là yếu tố cơ bản để làm nên “sức sống mới” ở Vũ Quang. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển doanh nghiệp đã được thực hiện trước một bước. Khi đời sống Nhân dân được cải thiện, những tiêu chí khác trong xây dựng NTM dường như đã trong tầm tay.
Những vùng sản xuất tập trung được quy hoạch rõ ràng, có những vùng được đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng /năm, như mô hình nuôi lợn ở xã Đức Hương, Hương Minh và mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Ân Phú…
Đời sống người dân ngày một đi lên, diện mạo làng quê mang dáng dấp của “Phố trẻ” nhưng vẫn còn đó những thách thức, khó khăn phía trước, nhiều tiềm năng chưa được phát huy. Về Vũ Quang cứ mỗi ngày đi qua ta lại thấy thêm hồng hào tươi mới, những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn, mong cho sự quyết tâm cao trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nơi đây sẽ là mạch nguồn làm thổn thức cho một dải biên cương.
Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vũ Quang đã xây dựng được 600 km đường cứng giao thông nông thôn; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 42,75 triệu đồng/người (tăng hơn 40 triệu so với năm 2000); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,1% xuống còn 6,23%.Đặc biệt Vũ Quang đã có 2 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao.