PV GAS đạt lợi nhuận sau thuế hơn 8.800 tỷ đồng trong năm 2021

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 07:53, 26/01/2022

Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) vừa công bố báo tài chính hợp nhất quý 4/2021, trong đó ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 20.177 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 2.029 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Lũy kế năm 2021, PV GAS ghi nhận doanh thu 78.992 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020, con số này tương đương với số liệu sơ bộ PV GAS đã công bố trước đó. Đây là mức doanh thu lớn nhất từ trước đến nay của PV GAS. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.852 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, cao hơn 470 tỷ đồng so với số liệu sơ bộ PV GAS ước đạt trước đó (8.380 tỷ đồng).

gdc-camau.jpg

Năm 2021 là năm mà việc thực hiện nhiệm vụ SXKD của PV GAS đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; nhu cầu tiêu thụ khí giảm, sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực tài chính lớn... Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều khách hàng dừng hoặc giảm sản xuất, hoạt động cầm chừng nên nhu cầu khí giảm mạnh; nhất là huy động khí cho phát điện sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, huy động khí của khách hàng EVN chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm trước, bằng 69% kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhu cầu của các hộ công nghiệp, thị trường có thời điểm giảm 35-40% đối với LPG và 25-30% đối với khí thấp áp, CNG so với khi dịch Covid-19 chưa bùng phát lần thứ 4 (từ tháng 4/2021). Việc huy động nguồn lực triển khai các dự án cũng như cho công tác bảo dưỡng sửa chữa gặp nhiều khó khăn, chi phí cho các hoạt động tăng cao...

Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trong hoạt động SXKD về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường, cơ chế chính sách, cũng như các giải pháp trong công tác phòng chống dịch Covid-19; lường trước khó khăn và tận dụng tốt các cơ hội, linh hoạt ứng phó với những tình huống phát sinh, trong năm 2021, PV GAS tiếp tục vận hành an toàn, hiệu quả các công trình khí; cung cấp trên 7,1 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp trên 65 nghìn tấn condensate; sản xuất và kinh doanh 2 triệu tấn LPG (về đích trước kế hoạch 2 tháng) là năm có sản lượng kinh doanh LPG lớn nhất từ trước đến nay.

a3.-trung-tam-ppk-phu-my.jpg
Một góc trung tâm phân phối khí  Vũng Tàu

Trong năm, PV GAS cũng đã đưa vào vận hành thành công kho nổi chứa LPG lạnh tại Thái Bình, tạo đà phát triển, chiếm lĩnh thị trường miền Bắc. Nỗ lực vượt khó, PV GAS tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% sản lượng đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng ngành công nghiệp khí được PV GAS triển khai tích cực, bám sát mục tiêu chiến lược, đặc biệt là các dự án LNG, chế biến sâu (dự án kho LNG 1 triệu tấn, kho LNG 3 triệu tấn tại Thị Vải; đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng, chế biến sâu từ nguồn khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2B; kho LNG/LPG lạnh khu vực miền Bắc...). Giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng Công ty mẹ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (toàn PV GAS giải ngân trên 5,7 nghìn tỷ đồng), đây là một trong những đơn vị có giá trị giải ngân cao trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Với những dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động SXKD, vị thế, uy tín của PV GAS tiếp tục được duy trì và củng cố, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao: Nhiều năm liên tiếp đứng trong Top danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam; Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, Top doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường; lần thứ 9 liên tiếp nhận vinh danh Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn;…

PV