Sơn La thích ứng BĐKH: Triển khai nhiều mô hình, dự án xanh

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:33, 24/01/2022

(TN&MT) - Những năm qua, để ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về ứng phó với BĐKH, hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên.
a1(2).jpg

Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã tổ chức trên 500 lớp tập huấn, hội thảo, liên quan đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH.

Lồng ghép ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH

Thực hiện quản lý nhà nước về BĐKH, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; có điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện, lồng ghép đánh giá tác động của BĐKH trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, tích hợp hoặc lồng ghép BĐKH vào quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo mức độ tối thiểu các rủi ro nhằm mục đích phát triển thích nghi với BĐKH, giảm thải khí nhà kính trong quy hoạch sử dụng đất và đầu tư trồng rừng tại các điểm sung yếu.

Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình BĐKH tác động đến hệ thống đô thị; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị; nghiên cứu xây dựng các giải pháp về quy hoạch bảo vệ những vùng bị ngập lụt, sạt lở đất; xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập, lụt. Trong công tác lập dự án, xây dựng đồ án quy hoạch kiến trúc thực hiện theo hướng phát triển các đô thị tập trung gắn kết với nhau, hạn chế xây dựng các tuyến giao thông và đô thị cắt ngang các khu vực đồi núi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH được quan tâm chú trọng với nhiều hình thức như: Xây dựng các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền, tổ chức các hội nghị, mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường, Ngày Nước thế giới. Lồng ghép vào công tác tuyên truyền pháp luật chuyên môn về Luật Đất đai, Khoáng sản, Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng chống thiên tai…

Đưa nội dung hoạt động bảo vệ môi trường, cách thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH vào chương trình đào tạo ngoại khoá tại các cấp học phổ thông, chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các cấp ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước trong phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, công tác quản lý, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình cấp nước. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, quản lý chất thải. Tổ chức diễn tập PCTT&TKCN để tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng dân cư thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi do thiên tai...

Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã tổ chức trên 500 lớp tập huấn, hội thảo, với trên 20.000 lượt người tham gia liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH.

a4(2).jpg

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai trên toàn tỉnh

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với BĐKH

Một trong những nét nổi bật những năm qua, đó là, Sơn La đã chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, 100% các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN; phương án phòng, tránh ứng phó thiên tai; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, duy trì trực 24h/24h để kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý trong mọi tình huống; tổ chức thành công diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho cấp xã nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn trong bối cảnh BĐKH.

Đặc biệt, ngành Khí tượng thủy văn đã từng bước hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, nâng cấp, đổi mới công nghệ dự báo và dịch vụ dự báo. Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 179 trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trong đó, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia có 49 trạm do Đài KTTV khu vực Tây Bắc quản lý; 35 trạm đo mưa tự động và 5 trạm thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai; 6 trạm khí tượng phục vụ cảnh báo cháy rừng. Ngoài ra, có 43 đập, hồ chứa thủy điện và 27 đập, hồ chứa thủy lợi là đối tượng phải quan trắc khí tượng thủy văn đã lắp đặt thiết bị và thực hiện quan trắc KTTV với 79 trạm thủy văn và đo mưa.

Các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện do Đài KTTV khu vực Tây Bắc ban hành. Công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai không ngừng được nâng cấp, đổi mới, góp phần đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

a2(3).jpg

Triển khai xây dựng các mô hình cộng đồng sản xuất thích ứng với BĐKH, tiêu biểu là các mô hình trồng cây ăn quả.

Trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng, đã triển khai nhiều mô hình xanh như: Sử dụng chất thải trong trồng trọt (rơm rạ, thân ngô, lõi ngô, bã mía, lá mía, vỏ cà phê, vỏ sắn...) làm phân bón hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, vật liệu, chất độn.... Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học) trong xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ sinh học, hướng đến chăn nuôi an toàn và bảo vệ môi trường. Đối với chăn nuôi nông hộ đã xây dựng được trên 3.000 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas.

Để đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH như: Mô hình trồng rau, quả sạch, sản xuất rượu của Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu; Mô hình trồng trọt của Hợp tác xã Quý Huy, Tiểu khu Ba Vì, xã Chiềng Mung, Mai Sơn; Mô hình về cây dược liệu của Hợp tác xã sản xuất, chiết xuất tinh dầu dược liệu và dịch vụ nông lâm nghiệp Mường La, xã Pi Toong, huyện Mường La...

Đã xây dựng các mô hình cộng đồng sản xuất thích ứng BĐKH, tiêu biểu là các mô hình trồng cây ăn quả (nhãn, xoài, trám, mắc ca, bơ, mận…) và cây dược liệu tại các huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu... Các mô hình này đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân; góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất.

a3(2).jpg

Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất được nhân rộng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2021, đã nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả, cây trồng cạn và rau màu có giá trị kinh tế cao tại các vùng chuyên canh. Triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng của hệ trống trạm bơm tưới, tiêu và các hệ thống thiết bị sử dụng trong thủy lợi. Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…) tiết kiệm nước đã phục vụ cho hơn 1.200ha cây trồng.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong ứng phó BĐKH, giai đoạn 2016 – 2021, Sơn La đã được hỗ trợ triển khai một số dự án đem lại hiệu quả cao. Điển hình như: Dự án "hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Sơn La"; Dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với BĐKH; Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó với BĐKH ở khu vực Tây Bắc Việt Nam (VOF);

Mô hình nông lâm kết hợp trồng cây ăn quả, cỏ, lâm nghiệp; Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng và quản lý chuỗi giá trị rau quả an toàn, bền vững tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam; Dự án nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông sản và tiêu thụ sản phẩm (TEAL); Dự án Bảo tồn Vượn đen tuyền tại khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, huyện Mường La…

Nguyễn Nga