Về làng gốm 500 tuổi xem nghệ nhân tạo hình “ông hổ”
Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 22/01/2022
Nép mình bên hạ lưu sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà ở đô thị cổ Hội An được hình thành từ thế kỷ 15. Có thể nói làng gốm Thanh Hà ngày nay như một bảo tàng sống với những nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu nghề gốm cổ truyền Việt Nam, cũng như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân nơi đây.
Hơn cả việc tìm một món quà lưu niệm xứ sở, khách đến làng gốm Thanh Hà có thể tận mắt xem những nghệ nhân làng nghề với đôi bàn tay khéo léo, với đôi bàn chân đạp bàn xoay chuốt gốm nhịp nhàng hình thành nên những sản phẩm từ đất sét. Hầu hết các sản phẩm gốm Thanh Hà đều được làm ra với công nghệ truyền thống và các vật dụng thủ công.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lại tất bật “đỏ lửa” để cho ra những sản phẩm mang màu sắc, hương vị Tết cổ truyền của người Việt như tò he, linh vật theo từng năm, bình gốm sứ… Theo các nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà, từ thời xa xưa, vào mỗi dịp Tết, người dân trong làng sẽ nhào nặn những sản phẩm là hình thù của những con vật theo từng năm không cầu kỳ, không đòi hỏi kỹ thuật cao, mục đích chỉ để vui chơi và là món quà cho con nhỏ dịp đầu năm mới. Ngày nay, nghề nặn linh vật Tết đòi hỏi người nghệ nhân phải có bàn tay tài hoa, trí tưởng tượng phong phú mới có thể làm những sản phẩm hoàn hảo.
Những ngày này tại cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Hoàng, con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Xê đang vừa cho ra lò 6 chú “hổ đất” để trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán. Tất bật phơi nắng những chú “hổ đất” để kịp trưng bày, anh Hoàng chia sẻ, bản thân sinh ra trong gia đình có truyền thống về gốm tại phường Thanh Hà nên được tiếp cận với những món đồ gốm như tò he, nồi, ấm nước… Sau này, nghề gốm được phát triển kết hợp phục vụ du lịch tạo thu nhập kha khá cho gia đình.
“Mình rất vui khi vẫn còn giữ được nghề gốm đến bây giờ. Trong 2 năm qua, dịch bệnh đóng cửa, tôi phải làm nhiều việc khác để kiếm thu nhập nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề truyền thống của cha ông mình” – anh Hoàng chia sẻ.
Theo anh Hoàng để hoàn thiện 6 chú "hổ đất" này, đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại ở các công đoạn. Đất sét được lựa chọn rất kỹ, cắt từng miếng lớn, từ đó cuộn tròn lại thành hình khối rỗng ruột. Sau đó, anh bắt đầu tạo hình, nắn từng bộ phận, tạo những lớp lông… tiếp đến là phơi khô, chuyển vào lò nung và vẽ sơn lên sản phẩm. Cả quá trình chế tác đòi hỏi nghệ nhân đều dùng tay không và trí tưởng tưởng của mình chứ không theo một khuôn mẫu nhất định.
Lần đầu tiên chế tác tượng hổ chào đón Nhâm Dần 2022, anh Nguyễn Văn Hoàng bảo khó nhất là nặn đầu, miệng và vẽ râu, nhiều lần phải phá đi làm lại. "Hổ dũng mãnh và hung giữ. Để thể hiện đúng bản chất của nó thì miệng, đầu phải bộc lộ được khí phách", anh giải thích.
Sau nhiều đêm mệt mài nhào nặn, hình hài sáu con hổ đã rõ nét với hai con thế vồ, hai con nằm và hai con đứng, mỗi con cao và rộng 30 cm, dài 60 cm.
“Năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quá nhiều rồi, những chú hổ thể hiện sự mạnh mẽ hy vọng một năm mới khởi sắc hơn. 6 "chú hổ" này đã được chính quyền địa phương đặt hàng với giá 2 triệu đồng/1 con để trưng bày đón năm Nhân Dần tại làng gốm Thanh Hà.” – anh Hoàng chia sẻ.
“Trong dòng chảy gốm sứ Việt cổ có sự kết nối văn hoá cả về thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và giao lưu với bên ngoài. Làng gốm Thanh Hà một ví dụ điển hình vừa mang đậm văn hoá xứ Quảng vừa có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hoá. So với tượng linh vật hổ ở nhiều nơi, “ông hổ” qua bàn tay nghệ nhân làng gốm Thanh Hà vẫn giữ được biểu tượng sức mạnh của chúa sơn lâm nhưng lại không có nét dữ dằn đã phản ánh văn hoá hồn hậu của con người đất Quảng” – bà Ngô Thị Thu Hương, Cán bộ Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ chia sẻ.