Buôn bán động vật hoang dã cần được xem là tội phạm nghiêm trọng nhất

Môi trường - Ngày đăng : 23:32, 21/01/2022

Bất chấp tác động to lớn của buôn lậu động vật hoang dã, các so sánh về lợi nhuận, chi phí và mức độ nghiêm trọng luôn xếp loại tội phạm này thấp hơn so với tội phạm buôn người, buôn ma túy và buôn vũ khí.
ttxvnsuungtegiac-1-(1).jpg
Tang vật sừng tê giác buôn bán trái phép bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: TTXVN)

Dựa trên các tài liệu đã xuất bản cùng các sự kiện hiện tại, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Sinh học tích hợp và Khoa Tội phạm học, Đại học Nam Florida, St Petersburg, Mỹ cho rằng, khi được nhìn nhận đúng đắn trong bối cảnh Covid-19 và các bệnh lây truyền từ động vật sang người, buôn bán động vật hoang dã là loại hình tội phạm gây thiệt hại nhiều nhất và có lẽ nghiêm trọng nhất trong các hình thức buôn lậu.

Động vật hoang dã thường bị buôn bán với các mục đích làm thuốc, thực phẩm, quần áo, đồ đạc, vật nuôi..., đặc biệt, nhu cầu động vật hoang dã phục vụ ngành y học cổ truyền châu Á đang đe dọa nghiêm trọng đến nhiều quần thể hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Buôn lậu động vật hoang dã có thể được thúc đẩy bởi các yếu tố lợi nhuận, trao đổi hàng hóa, sinh tồn, sở hữu cá nhân, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo hoặc do hậu quả xung đột giữa người và động vật, trong đó, yếu tố lợi nhuận sẽ quyết định việc hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm động vật hoang dã quy mô, phức tạp.

Khi xem xét thứ hạng của các nhóm tội phạm buôn lậu, bất kể việc xếp hạng dựa trên mức lợi nhuận bất hợp pháp, chi phí kinh tế - xã hội hay mức độ nghiêm trọng thì buôn lậu động vật hoang dã luôn bị đánh giá thấp hơn buôn ma túy, buôn người và ít nghiêm trọng hơn buôn bán vũ khí.

Cụ thể, về mức lợi nhuận bất hợp pháp hàng năm, buôn bán động vật hoang dã ước tính có tổng giá trị từ 5 - 23 tỷ đô la, xếp sau buôn ma túy (426 - 652 tỷ đô la) và buôn người (150,2 tỷ đô la). Riêng buôn vũ khí (1,7 - 3,5 tỷ đô la) xếp thấp hơn buôn bán động vật hoang dã về lợi nhuận.

Về thiệt hại kinh tế - xã hội, tác động của các nhóm tội phạm đối với nền kinh tế sẽ khác nhau ở từng quốc gia. Tác động này được đo lường bằng các chi phí gây thiệt hại cho nhà nước và an ninh công cộng, bao gồm chi phí phòng vệ, chi phí liên quan đến hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật, chi phí bảo vệ hợp pháp do nhà nước tài trợ, chi phí cho nhà tù và dịch vụ quản chế.

Ngoài ra, chi phí tổn thất cũng bao gồm tổng thiệt hại về sinh thái, tài sản bị đánh cắp, tác động về tinh thần và thể chất cũng như sự suy giảm chất lượng cuộc sống của nạn nhân, giảm hiệu quả lao động đối với những người bị tội phạm tác động, chi phí sức khỏe và phúc lợi con người, kinh tế, trật tự kinh doanh và tài chính nhà nước.

Hầu hết các nghiên cứu về so sánh chi phí tội phạm mới chủ yếu tập trung vào nhóm tội phạm đường phố như giết người, hành hung, tấn công tình dục, trộm cướp… mà không xét đến các chi phí từ loại tội phạm buôn lậu hoặc tội phạm có tổ chức. Một trong số ít các báo cáo so sánh về chi phí kinh tế - xã hội hàng năm của các nhóm tội phạm có tổ chức ở Anh ước tính buôn ma túy gây thiệt hại hơn 173 triệu USD, buôn người gây thiệt hại xấp xỉ 20 triệu USD và buôn vũ khí gây thiệt hại gần 1,7 triệu USD. Buôn bán động vật hoang dã tuy được đề cập nhưng không có dữ liệu cần thiết để tính toán chi phí thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Với tác động nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã, nhất là trong bối cảnh đại dịch với giả định nguồn gốc Covid-19 có thể xuất phát từ động vật hoang dã, việc hiểu rõ hơn về chi phí và mức độ nghiêm trọng của buôn bán động vật hoang dã là vô cùng cần thiết nhằm cung cấp thông tin sâu hơn cho việc xây dựng chính sách. Nếu không có dữ liệu đáng tin cậy về chi phí buôn lậu động vật hoang dã, các nhà hoạch định chính sách không thể đề xuất các chính sách có ý nghĩa và điều này có thể dẫn đến kết luận sai lầm về hiệu quả của các chính sách được đề xuất.

Lan Chi