Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tại 3 địa phương

Tài nguyên - Ngày đăng : 23:31, 21/01/2022

(TN&MT) - Chiều 21/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với các mỏ ở 3 địa phương: Quảng Bình, Cao Bằng và Nghệ An.
_mg_1816(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực phía Bắc mỏ Lèn Đứt Chân, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, ông Lê Thái Bình - Công ty Cổ phần Tư vấn khảo sát thiết kế và Xây dựng Mỏ - Địa chất, đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả thăm dò, phân tích mẫu đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá về thành phần khoáng vật, thạch học, thành phần hóa học, tính chất cơ lý và so sánh với tài liệu về chất lượng nguyên liệu đang sản xuất xi măng của Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (chủ đầu tư). Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất, tính chất cơ lý, tính chất công nghệ… đủ độ tin cậy để tính trữ lượng cấp 121 và 122.

Tổng trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng ở cấp 121 + 122 là 84.270 nghìn tấn. Trong đó, trữ lượng cấp 121 là 3.678 nghìn tấn, trữ lượng cấp 122 là 80.592 nghìn tấn và trữ lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.550 nghìn m3.

Về kết quả thăm dò quặng mangan khu vực Roỏng Tháy xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh và xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, ông Vũ Thế Thủ - Trung tâm Triển khai công nghệ khoáng chất, đơn vị tư vấn cho biết: Tổng trữ lượng và tài nguyên cấp 122+333 là 311.834 tấn quặng mangan, trong đó, trữ lượng cấp 122 là 192.490 tấn quặng mangan, tài nguyên cấp 333 là 119.344 tấn quặng mangan.

Đại diện đơn vị tư vấn kiến nghị, kết quả thăm dò cho thấy, các thân quặng mangan còn có khả năng tồn tại và kéo dài về cả 2 phía của khu vực thăm dò, cần có kế hoạch đầu tư nghiên cứu mở rộng mỏ.

_mg_1784(1).jpg
Ông Trần Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng - USCO báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi Bắc Thắng và đá sét Đá Bạc 2 làm nguyên liệu xi măng tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, ông Trần Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng - USCO, đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị cơ bản đã tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá được quy mô, chất lượng đá vôi, đá sét và các khoáng sản đi kèm trong diện tích thăm dò.

Trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng cấp 121 và cấp 122 là 272.789 nghìn tấn. Trữ lượng đá sét làm nguyên liệu xi măng cấp 121 và cấp 122 là 31.818 nghìn tấn. Ngoài ra, còn có trữ lượng các khoáng sản đi kèm gồm: trữ lượng đất sét phủ trên đá vôi làm nguyên liệu xi măng cấp 122 là 7.511 nghìn tấn; trữ lượng đá vôi sét, sét vôi làm vật liệu xây dựng thông thường cấp 121 và cấp 122 là 11.217 nghìn m3.

Theo ông Trần Lê Châu - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, công tác địa chất thủy văn - địa chất công trình được tiến hành trong mùa khô nên các giai đoạn tiếp theo cần bổ sung nghiên cứu để có các số liệu đánh giá trong mùa mưa. Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu mặt theo phương pháp mẫu điểm, nhiều mẫu lấy theo mặt lớp và chiều dài lớn và định vị bằng máy GPS cầm tay còn hạn chế để khoanh nối các tập đá vôi sét, sét vôi, do đó cần lưu ý các tập đá này trong quá trình khai thác.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã phê duyệt các con số trữ lượng đã tính trong báo cáo và thông qua có sửa chữa các báo cáo trên. Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sửa chữa, hoàn thiện báo cáo, trình Hội đồng phê duyệt để chuẩn bị các thủ tục đưa mỏ vào khai thác.

Mai Đan