Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Nhiệm kỳ nhiều thách thức trở thành cơ hội'

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:15, 01/01/2021

Những sóng gió giai đoạn đầu nhiệm kỳ đã diễn ra và để lại nhiều bài học quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

“Những sóng gió giai đoạn đầu nhiệm kỳ đã diễn ra và để lại nhiều bài học quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường”, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ.

Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dành cho Zing cuộc trao đổi về những biến cố mà ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đối mặt trong gần trọn nhiệm kỳ 5 năm qua.

Là thời gian nhiều sóng gió, song Bộ trưởng TN&MT nhìn nhận nhiều thách thức trong từng lĩnh vực quản lý đã được chuyển biến thành cơ hội, giúp ngành thay đổi vị thế để chung tay phát triển đất nước.

subtitle_01.jpg

- Nhìn lại giai đoạn khó khăn vừa qua, đâu là những điểm sáng nổi bật của ngành tài nguyên môi trường mà Bộ trưởng tâm đắc nhất?

- Tôi đã bắt đầu một nhiệm kỳ đầy trăn trở, âu lo. Nhưng "cái khó ló cái khôn", mỗi người nỗ lực gấp đôi, giải quyết từng việc cụ thể đến chính sách quản lý vĩ mô.

quote_01(1).jpg

Năm 2016, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành TN&MT đã phải đối mặt nhiều khó khăn, sóng gió. Các lĩnh vực quản lý, đặc biệt là môi trường xảy ra nhiều sự cố, có những sự cố gây hậu quả nghiêm trọng tại một số địa phương.

Trong đó, đặc biệt là sự cố môi trường trên biển miền Trung do Formosa gây ra, khiến 200 km bờ biển từ Hà Tĩnh vào tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng. Tôi lúc đó, mới tiếp quản nhiệm vụ Bộ trưởng được hơn 10 ngày.

Thời điểm ấy, những sự cố điển hình như Formosa diễn ra liên tục, ở nhiều địa bàn khác nhau, trong khi cơ quan quản lý hết sức bất ngờ, bị động.

Chúng tôi thực sự đã bắt đầu những ngày đầu nhiệm kỳ với không ít khó khăn, thách thức. Không chỉ môi trường, quản lý đất đai cũng luôn nằm trong top “lĩnh vực nóng bỏng”. Số lượng người dân khiếu kiện, khiếu nại về đất đai đông, phức tạp, nhiều nơi xảy ra xung đột.

Lĩnh vực khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, tình trạng khai thác trái phép, sử dụng thiếu hiệu quả, quá trình khai thác gây ra quá nhiều hệ lụy.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu gây ra tác động ngày càng lớn, không chỉ với miền Trung, mà cả các vùng núi cao phía Bắc, Tây Nguyên; vấn đề xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra liên tục...

Trước bối cảnh đó, tôi với cương vị tư lệnh ngành và các cán bộ trong ngành luôn lo lắng.

quote_02.jpg

Nhưng tôi cho rằng, những sóng gió đầu nhiệm kỳ chính là thử thách dành cho Chính phủ khóa mới nói chung, dành cho cá nhân tôi và ngành tài nguyên môi trường nói riêng.

Trong khó khăn, chúng tôi đã nỗ lực tìm ra những giải pháp và hướng đi đúng đắn. Khi ấy, chúng tôi “toàn tâm toàn ý” tập trung giải quyết những vấn đề đã và đang xảy ra, cả những vấn đề phát sinh.

quote_03.jpg

Những sự cố nảy sinh trong thời kỳ này là hệ lụy của một giai đoạn dài chúng ta mở cửa, huy động tất cả nguồn lực cho phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế dựa trên mô hình khai thác sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã xác định chủ trương của nhiệm kỳ 2016-2020 là phát triển kinh tế hài hoà với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Song song với đó là việc phát triển dựa trên quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những sóng gió giai đoạn đầu nhiệm kỳ đã diễn ra và để lại nhiều bài học quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Ví dụ, Formosa là một tổ hợp rất lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải học hỏi, tiếp cận công nghệ mới, để có năng lực tốt hơn, điều chỉnh chính sách phù hợp hơn. Nếu vẫn giữ quan điểm “phát triển trước, xử lý môi trường sau”, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt, như bài học Formosa.

- Với nhiều áp lực như vậy, ông có bao giờ nghĩ tư lệnh của ngành quản lý nhiều vấn đề nóng như tài nguyên môi trường là một thiệt thòi?

- Có thể nói thẳng là tôi chưa bao giờ nghĩ làm bộ nào sẽ thiệt thòi hơn bộ nào. Với tôi, TN&MT là bộ rất quan trọng. Là tư lệnh ngành, tôi có trách nhiệm lớn và cũng rất tự hào khi được giao trọng trách ấy, để mình có cơ hội được thử thách, để được đóng góp cho nhân dân, cho đất nước.

Trong cuộc sống con người, khi trải qua nhiều khó khăn, thử thách mà đạt được kết quả thì mới có nhiều niềm vui, còn nếu cứ bình bình, đôi khi chúng ta sẽ không biết mình là ai.

- Với lĩnh vực quản lý phức tạp, nóng bỏng như ngành tài nguyên môi trường, đến nay, vấn đề gì còn khiến ông băn khoăn, trăn trở?

- Đúng là tôi còn rất nhiều trăn trở và lo lắng. Môi trường không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay, mà còn là tương lai của con cháu mai sau. Hơn nữa, đây là lĩnh vực không dễ thay đổi trong một sớm một chiều, vì công tác quản lý môi trường phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế khác. Đồng thời, nó phụ thuộc nhiều vào tư duy và việc xác định mô hình phát triển.

Nếu lựa chọn đúng mô hình phát triển, thay đổi được công nghệ cũ, lạc hậu, môi trường mới được đảm bảo, phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ môi trường phải tuân theo quy luật của thị trường. Cần xác định tài nguyên là tài sản, nguồn lực của quốc gia, phải làm sao có thể nắm chắc, lượng hoá, đo lường được như tiền mặt.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải có công tác điều tra đánh giá cơ bản cụ thể hàng năm. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho công tác đánh giá của Việt Nam còn hạn chế. Chúng ta mới chỉ đánh giá được một phần trên đất liền, còn ở biển thì gần như chưa tính toán được. Và nếu không tính toán, không điều tra được thì rất khó để phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn, dù rất nỗ lực, biến đổi khí hậu rất khó lường, cực đoan, khó đoán định và đặt ra gánh nặng lớn.

Điều đó đòi hỏi ngành phải nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Đặc biệt, phải đánh giá được tình hình, tác động của biến đổi khí hậu để đưa ra kế hoạch ứng phó, không để bị động. Đây là điều khiến tôi trăn trở, vì Việt Nam là quốc gia chịu rất nhiều tác động của thiên tai.

Quản lý nguồn nước và rác thải nhựa vẫn là vấn đề còn nhức nhối, lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp và những giải pháp mang tính thống nhất, toàn cầu.


- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Vậy tư duy về bảo vệ môi trường thay đổi như thế nào sau khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, thưa Bộ trưởng?

- Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện; phương thức quản lý được đổi mới, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư, giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với những điểm mới mang tính đột phá đã được Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; quy định kiểm toán môi trường…

Những quy định trong luật cũng thay đổi phương thức quản lý đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát dự án có nguy cơ tác động xấu; thực hiện hậu kiểm đối với dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện; đề cao giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là không khí, nước…

quote_05.jpg

Tôi tin khi Luật đi vào thực tế với hiệu năng pháp lý cao, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý về vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên sẽ được đáp ứng.

Ngay những trang mở đầu, luật đã khẳng định người dân Việt Nam có quyền được hưởng thụ chất lượng môi trường như người dân các quốc gia phát triển trên thế giới. Tiêu chuẩn môi trường xung quanh của Việt Nam phải ngang bằng nhóm nước phát triển nhất.

Luật đưa ra nhiều chế định, tính toán lợi ích trong vấn đề môi trường với phát triển. Đặc biệt, việc đánh giá chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động không thể hình thức mà phải làm bài bản.

Mục tiêu của luật là phải giảm thời gian, tiền bạc, thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thân thiện với môi trường thì thủ tục đánh giá được đơn giản hoá. Nhưng nếu hoạt động trong 17 lĩnh vực ngành công nghiệp ô nhiễm thì phải được quan tâm, kiểm soát từng bước, giám sát chặt chẽ khi họ xây dựng dự án, đưa quy định cụ thể để phòng ngừa sự cố, phòng ngừa ô nhiễm.

Chúng tôi luôn tâm niệm phải biến thách thức thành cơ hội. Vì thế, muốn thay đổi vấn đề về môi trường phải thay đổi chính sách quản lý, từ quy chuẩn, tiêu chuẩn, đến công cụ quản lý một cách chặt chẽ.

Môi trường cần phải được coi trọng hơn, có vai trò hơn, hài hòa với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.

Và cũng đã đến lúc thay đổi mô hình phát triển, phải phát triển dựa trên sự hài hòa, sự bền vững về hệ sinh thái, dần hình thành văn hoá ứng xử đối với thiên nhiên.

Tôi cho rằng, đến nay đã có sự thay đổi hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, đó là thay đổi về mặt tư duy. Chúng ta đã từng bước thay đổi được tư duy về bảo vệ môi trường, các quan điểm, phương pháp quản lý; đồng thời, xác định đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta xác định mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là nhiệm vụ chủ đạo góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn.

- Theo ông, xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có tiềm năng như thế nào trong giai đoạn mới? Và chúng ta cần làm gì để triển khai hiệu quả các mô hình này?

- Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tạo ra một nền tảng hết sức quan trọng để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đi theo chiều sâu và chất lượng. Ngành tài nguyên và môi trường đã định hình, chuyển đổi chính sách của mình theo chủ trương này.

Với quy mô dân số hiện nay là hơn 96 triệu người và đạt khoảng 104 triệu vào năm 2030, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực. Nếu tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế tuyến tính, khả năng cung ứng của tài nguyên và sức chịu tải của môi trường của Việt Nam sẽ chạm giới hạn.

Để giải quyết các thách thức đã dự báo, kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế toàn cầu nhằm giải quyết thách thức về cạn kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Phải khẳng định chúng ta không thể không phát triển kinh tế, nhưng phát triển phải tính đến bài toán về môi trường, dựa trên việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Trong phát triển kinh tế, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường…

Sau nhiều bài học, chúng tôi xác định ngay từ chủ trương đầu tư, quy hoạch phát triển, trong quá trình thẩm định sơ bộ và đánh giá tác động... phải thực chất, kỹ lưỡng và dựa trên đánh giá về trình độ công nghệ, kinh nghiệm của thế giới để áp dụng vào quản lý.

Chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để có thể đánh giá, dự báo và nhận dạng được các tác động như khí thải, nước thải, chất thải rắn…; tính toán đến giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa sự cố.

Chúng tôi cũng phân ra 17 loại ngành công nghiệp, xác định quy mô và tính chất nguy hiểm, xác định các trường hợp nguy hiểm, các ngành nhạy cảm để giám sát đặc biệt.

Đây là kỷ nguyên chuyển từ “năng lượng nâu” sang “năng lượng xanh” nên chúng ta cần thay đổi quan niệm, từ sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên sang sử dụng nguồn tài nguyên có thể tái tạo, thân thiện hơn.

Với những nguồn lực không thể tái tạo, phải tính toán để phân bổ để giữ được không gian cho cuộc sống của chúng ta và tương lai con cháu mai sau.

Trong quá trình phát triển đó, chuyển đổi quan trọng nhất là tư duy - chuyển từ tư duy phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào tài nguyên, nguồn năng lượng tái tạo được; nền kinh tế chuyển sang kinh tế tuần hoàn, phát triển một nền kinh tế mà ở đó mọi tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực được tính toán sử dụng một cách hiệu quả nhất.

- Xin cảm ơn ông!

gallery_02.jpg

Zing