Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:55, 20/01/2022
Theo quyết định chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND TP. Hà Nội, nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/1/2022. Ảnh: laodong |
100% các khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, trong năm 2021, ngành TN&MT Hà Nội đã tích cực phối hợp cùng các đơn vị tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ nội thành và quản lý duy trì bè thủy sinh trên 66 hồ, quản lý vận hành và bảo dưỡng các máy sục khí trên 52 hồ. Triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô.
Đối với nước thải sinh hoạt, công nghiệp và y tế, Thành phố đã xây dựng 6 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 276.300 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 28,8% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được thực hiện tốt, hiện 9/9 (đạt tỷ lệ 100%) khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, có 26/43 (đạt tỷ lệ 60,5%) Cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung.
Thành phố đưa vào vận hành 6 trạm quan trắc nước mặt, 1 trạm quan trắc nước thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tiếp nhận, giám sát dữ liệu quan trắc của 46 trạm quan trắc nước thải, 15 trạm quan trắc nước dưới đất của các Khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và 7 trạm quan trắc nước thô, 19 trạm quan trắc nước sạch các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, đang triển khai đầu tư 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và 6 trạm quan trắc nước dưới đất trong giai đoạn 2022-2024.
Đối với công tác bảo vệ môi trường không khí, Sở TN&MT tiếp tục triển khai đồng bộ Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí và chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, UBND Thành phố ban hành Văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
“Hiện nay, Thành phố đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí, 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Đã tiếp nhận, giám sát dữ liệu 6 trạm quan trắc khí thải của các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tập trung hoàn thiện dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn Thành phố”, ông Lê Thanh Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT thành phố cũng tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về hạn chế sử dụng than tổ ong và Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về hạn chế đốt rơm rạ, chất thải; chủ trì tổ chức hai đoàn kiểm tra liên ngành đến từng quận, huyện, thị xã để kiểm tra, ban hành văn bản đôn đốc thực hiện.
Trong năm 2021, Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và vận hành các khu, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng, chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại, như: Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn II, mở rộng Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Khu xử lý rác thải Phương Đình, Đan Phượng…
Khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh khoảng 217,2 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thống kê được khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), còn lại một số cơ sở do lượng chất thải phát sinh quá ít hiện được lưu giữ tạm thời tại cơ sở. Sở TN&MT đã hoàn thành “Đề án thu gom xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Trong quản lý chất thải y tế nguy hại, theo số liệu thống kê, mỗi ngày trên địa bàn Thành phố phát sinh chất thải rắn y tế khoảng 27,52 tấn/ngày, trong đó chất thải nguy hại khoảng 8,448 tấn/ngày và chất thải thông thường khoảng 19,07 tấn/ngày. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 phê duyệt đề án xử lý chất thải y tế nguy hại.
Thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và vận hành các khu, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh minh họa |
Sở TN&MT tiếp tục thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Sở TN&MT đánh giá, phân loại đối với 35 làng nghề (Trong tổng số 65 làng nghề đã thực hiện đánh giá, phân loại giai đoạn 2017-2018) đã được công nhận làng nghề/làng nghề truyền thống nhưng chưa có phương án bảo vệ môi trường được phê duyệt.
Cùng với đó, trong năm 2021, Sở TN&MT báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Kiểm kê khí thải nhà kính cho năm cơ sở 2018 và đề xuất giải pháp quản lý phát thải”; phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề cương - Dự toán nhiệm vụ, trình phê duyệt kế hoạch vốn làm cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ được giao.
Phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT rà soát cơ sở pháp lý, báo cáo UBND Thành phố xem xét, chấp thuận nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu Thành phố; cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nghìn đến năm 2050”.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác bảo vệ môi trường của ngành TN&MT thành phố trong năm 2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như chất lượng môi trường nước mặt sông Tô Lịch, một số đoạn sông Nhuệ - Đáy vẫn còn ô nhiễm; chất lượng môi trường không khí, nồng độ bụi tại nhiều khu vực còn vượt tiêu chuẩn cho phép.
Cùng với đo, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhưng một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom, xử lý triệt để, thiếu công nghệ hiện đại, chủ yếu xử lý bằng chôn lấp hợp vệ sinh; nước thải sinh hoạt phần lớn chưa được thu gom, xử lý, mạng lưới thu gom, thoát nước thải còn chưa đồng bộ và hoàn thiện, nước thải chưa được xử lý ở đầu nguồn.
Ông Lê Thanh Nam cho biết, trong năm 2022, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình công tác số 03-CTr/TU, 04-CTr/TU và 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII.
Tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ chế chia sẻ, trao đổi dữ liệu, thông tin về môi trường từ cấp Thành phố đến các quận, huyện, thị xã và giữa Hà Nội với Trung ương và các tỉnh, thành lân cận.
Triển khai Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy, đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất hộ gia đình ra các cụm công nghiệp làng nghề tập trung. Đảm bảo mục tiêu đến 2025, 100% cụm công nghiệp làng nghề, làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý triệt để nước thải.
“Triển khai hiệu quả Đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và Đề án “Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.
Triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 27/8/2021 thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 22/7/2021 về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND Thành phố hạn chế chất thải nhựa.
Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để triển khai các chương trình hiệu quả, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường thành phố.