Nhìn lại hoạt động ngành TN&MT Sơn La năm 2021

Tài nguyên - Ngày đăng : 17:38, 19/01/2022

(TN&MT) - Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển KT-XH, trong đó có ngành TN&MT. Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT Sơn La đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành TN&MT năm 2022.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là ngành đã hoàn thành 27/27 nhiệm vụ được HĐND, UBND tỉnh giao, đảm bảo về thời gian và nội dung, trong đó có 12 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 15 Quyết định của UBND tỉnh.

Chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành trên 1.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về cơ chế, chính sách, xử lý những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Tại cấp huyện, ban hành trên 2.000 văn bản để thực hiện quản lý nhà nước về TN&MT. Trọng tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, khoáng sản và kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, lĩnh vực đất đai, tập trung lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh; xây dựng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm của tỉnh, gồm: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường tránh thành phố Sơn La; xây dựng hạ tầng lô 4a; dự án Vinamilk; Vinatea Mộc Châu, dự án Khu dân cư số 2 phường Chiềng An; Dự án chuẩn bị đầu tư của tập đoàn FLC… Thành lập các tổ công tác, đoàn kiểm tra của tỉnh trực tiếp gỡ vướng về đất đai, các dự án trọng tâm, trọng điểm và tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Lĩnh vực tài nguyên nước, trình UBND tỉnh cấp 17 Giấy phép tài nguyên nước; phê duyệt phương án cắm mốc bảo vệ đập, hành lang bảo vệ nguồn nước 3 đập thủy điện, 6 hồ chứa; phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với các nguồn nước nội tỉnh. Tập trung xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước và quản lý lưu trữ thông tin khí tượng thủy văn.

Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về khoáng sản, trong năm, đã cấp 5 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác 7 điểm mỏ; xây dựng kế hoạch đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm với 13 điểm mỏ cát, đất sét, đá vôi. Tiếp tục tháo gỡ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh như: khai thác than Suối Bàng – Vân Hồ, khai thác đồng bản Ngậm – Bắc Yên, khai thác đá trong quá trình san nền, tạo mặt bằng xây dựng công trình Khu công nghiệp Mai Sơn ...

Công tác bảo vệ môi trường, đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, gồm, duy trì tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn khu vực nông thôn (ước tính đến 30/11/2021) đạt 80%.

Nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã thẩm định, phê duyệt 11 báo cáo ĐTM; xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, hoàn thành công trình bảo vệ môi trường 4 dự án... Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng tiến hành lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục có camera theo dõi truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT với 5/8 cơ sở đã lắp đặt.

TỈnh Sơn La triển khai kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước tại các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn.

Công tác thanh tra, kiểm tra đã được chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế và các sai phạm, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời có đề xuất sửa đổi, bổ sung những hạn chế về chính sách, pháp luật.
Kết quả, tại cấp tỉnh đã triển khai 30 cuộc thanh tra, kiểm tra với 144 tổ chức; ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Tại cấp huyện, UBND huyện, thành phố đã thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về TN&TM đối với các tổ chức và cá nhân. Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 238 tổ chức, cá nhân, tổng tiền phạt trên 2 tỷ đồng.

9 nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực

Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Trong năm 2021, toàn ngành đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đất đai có chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư; kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, lãng phí đất đai bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản được tháo gỡ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Tích cực triển khai Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản; thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm; tích cực triển khai các hoạt động phục vụ dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Sơn La triển khai ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý TN&MT ngay từ cơ sở.

Kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại một số địa phương.

Năm 2022 là năm ghi dấu nhiều điểm mới trong quản lý nhà nước về TN&MT với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, thực hiện sửa đổi Luật Đất đai 2013, tổ chức triển khai nhiệm vụ quản lý chất thải rắn theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, ngành TN&MT Sơn La đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm cùng từng nhiệm vụ cụ thể trong mỗi lĩnh vực. Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; cùng với việc đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Khoảng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Khí tượng thủy văn… Từ đó đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước và quản lý, lưu trữ thông tin khí tượng thủy văn. Đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giám sát và phục hồi môi trường đối với các sông suối chính trên địa bàn tỉnh sau khi đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải.

Rà soát, nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh quy chế hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo hướng tăng cường trách nhiệm của các Sở, ngành, cấp huyện, cấp xã trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Tổ chức ký cam kết tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản giữa UBND tỉnh với UBND huyện, thành phố và doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản….

Nguyễn Nga