Sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:45, 19/01/2022
Theo Tổng cục KTTV, mục đích của Kế hoạch là nhằm kịp thời tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức đối với công tác KTTV.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh chụp qua màn hình |
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chỉ thị 10, dự thảo Quyết định được xây dựng gồm 4 Phần, 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Sáu nhóm nhiệm vụ gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác KTTV. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương và đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW theo quy định; chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đổi mới về phương pháp, hình thức, chú trọng tuyên truyền các hoạt động liên quan tới công tác KTTV.
Thứ hai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Theo đó, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng của bộ, ngành, địa phương theo quy định; thực hiện các hoạt động nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực KTTV và hoàn thiện phương pháp, quy trình quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Cụ thể, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTTV và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực KTTV. Ở nội dung này, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác KTTV; xây dựng lộ trình, phương án phù hợp để đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KTTV.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về KTTV; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo xây dựng, triển khai các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cơ bản về KTTV.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho công tác KTTV. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm tăng cường công tác KTTV thuộc phạm vi quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm tập trung tăng cường nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về KTTV.
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác KTTV. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt, với các quốc gia phát triển nhằm tăng cường, hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành KTTV Việt Nam.
Kế hoạch đề ra nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo KTTV. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai cho biết, hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TW của Ban Bí thư. Ngày 1/12/2021, Tổng cục KTTV đã trình Bộ TN&MT ký Văn bản số 7307/BTNMT-TCKTTV lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương đối với Dự thảo Quyết định. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục đã nhận được 20/23 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương với gần 50 ý kiến; 59/63 địa phương với gần 120 ý kiến góp ý.
Qua tổng hợp các ý kiến góp ý, về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW và danh mục các nhiệm vụ, đề án cụ thể của kế hoạch. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung như: Bổ sung nhiệm vụ “Xây dựng các kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng”; bổ sung thêm yêu cầu thực hiện song song với Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống các trạm quan trắc tại địa phương nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu về KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu và dự báo xâm nhập mặn do nước biển dâng…
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý này. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch theo hướng nêu bật được vai trò của các địa phương và doanh nghiệp trong công tác KTTV; sớm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.