Nova Consumer “khai trương” IPO năm 2022, chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 13:15, 15/01/2022
Số cổ phiếu này sẽ được chào bán thông qua đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán SSI. Nhà đầu tư tham gia sẽ đặt mua tối thiểu 1.000 và tối đa là 5.444.000 cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc: Từ ngày 07/02/2022 đến ngày 28/02/2022. Kết quả đặt mua sẽ được công bố vào ngày 04/03/2022.
Tạm tính theo mức giá chào bán thì Nova Consumer có mức định giá hiện tại vào khoảng hơn 4.700 tỷ đồng và định giá sau chào bán là 5.200 tỷ đồng (tương đương gần 220 triệu USD). Theo kế hoạch, số tiền thu được sẽ được sử dụng để tăng cường năng lực tài chính nhằm để phát triển chuỗi thực phẩm của công ty thông qua mua lại phần vốn góp và góp vốn bổ sung vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc. Sau khi IPO thành công, Nova Consumer sẽ tiến hành nộp hồ sơ niêm yết tại HoSE.
Được biết, Nova Consumer là một trong những thành viên của NovaGroup, bên cạnh các thành viên khác như Novaland, Nova Service… Xuất phát điểm là một công ty chuyên về các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2021, Nova Consumer đã xây dựng chiến lược đa dạng hóa ngành nghề, từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng, định hướng hoạt động theo mô hình 3F - từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm - Food).
Nguồn thu chính của Nova Consumer hiện gồm có mảng nông nghiệp: thuốc thú y-vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại-nông trại và hàng tiêu dùng: thực phẩm, thức uống và dinh dưỡng. Bản cáo bạch của Nova Consumer cho biết hiện công ty này đang giữ vị trí số một trong thị trường kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản.
Trong lĩnh vực thuốc thú y, Nova Consumer được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đầu ngành |
Năm 2021, Nova Consumer đặt mục tiêu đạt 4.149 tỷ đồng doanh thu và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau 9 tháng, công ty đã đạt 2.664 tỷ doanh thu và 342 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Về dư địa phát triển, chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín 3F của công ty được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai khi nhu cầu tiêu dùng thịt của Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp và đang có nhu cầu tăng trưởng nhanh khi thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng cao.
Động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp hiện còn đến từ sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung hóa chăn nuôi để gia tăng sản xuất cũng như giảm thiểu dịch bệnh lây lan khi có những trận dịch lớn, sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng vaccine, thuốc thú y, các dung dịch sử dụng trong biện pháp an toàn sinh học và kể cả thức ăn gia súc công nghiệp, góp phần không nhỏ trong tỷ lệ tăng trưởng của ngành trong tương lai.